Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

TRẤN SƠN NAM ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

(Thời Đại) Trấn Sơn Nam là vùng đất phía Nam Thăng Long, từ thời Lê Sơ đến thời nhà Nguyễn, bao gồm Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và một phần Hưng Yên, Hà Nội. Đó là miền đất của đồng bằng lúa nước chỉ thấp thoáng núi đá vôi ở vùng Sơn Nam Thượng, còn vùng Sơn Nam Hạ hầu như không có núi. Văn hóa Sơn Nam cùng với văn hóa Kinh Bắc, văn hóa Xứ Đoài hình thành bản sắc văn hóa Việt truyền thống.

 Trầm tích đế vương

Những anh hùng để lại dấu ấn lịch sử tiêu biểu nhất trên đất Sơn Nam là Đinh Bộ Lĩnh, Lý Công Uẩn và Trần Hưng Đạo. Đinh Bộ Lĩnh, con Đinh Công Trứ, tướng thuộc quyền Thứ sử Dương Đình Nghệ. Bố mất sớm, theo mẹ về quê, thường lấy bông lau làm cờ, đánh trận giả với trẻ chăn trâu. Nhờ sứ quân Trần Công Minh ở Bồ Hải Khẩu, ông gây dựng nghĩa quân rồi trở về Hoa Lư khởi nghiệp. Khi nhà Ngô mất, Đinh Bộ Lĩnh được tôn làm Vạn Thắng Vương và lên ngôi hoàng đế năm 968, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, xây dựng kinh đô Hoa Lư. Ông làm vua 12 năm, lập 5 hoàng hậu, bị hoạn quan Đỗ Thích ám sát năm 979, thọ 55 tuổi, đúng như sư Giao Thủy phán lúc ông thuở hàn vi: “Phú quý tột bực mà phúc chẳng bền lâu’’. Đinh Bộ Lĩnh văn võ toàn tài làm rạng danh Đại Cồ Việt, ngang nhiên ngai vàng cùng láng giềng nhà Tống. Ông là người sáng lập ra nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam.

Sau Đinh Tiên Hoàng là Lý Công Uẩn. Ông sinh ra ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, nay là Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Lúc 3 tuổi, năm 977, ông đi tu theo sư Khánh Văn. Lúc 7 tuổi, ông được Vạn Hạnh, nhà sư đắc đạo nhất lúc bấy giờ dạy dỗ. Vạn Hạnh khen ông : “Đứa trẻ này không phải người thường, sau này ắt làm bậc minh chủ”. Vào kinh đô Hoa Lư, giúp hoàng tử Lê Long Việt, nhờ mệnh trời, ông thoát được cái chết trong cuộc tranh giành quyền lực của các con vua Lê Đại Hành. May mắn hơn, ông còn được Lê Long Đĩnh, người em giết anh ruột là Lê Long Việt để cướp ngôi, trọng dụng, một ngoại lệ hiếm hoi xa lạ với triết lý giết nhầm hơn bỏ sót trong thâm cung bí sử. Ngày 21 tháng 11 năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi, có sách ghi Lý Công Uẩn giết Lê Long Đĩnh để đoạt ngôi. Dù vậy, đó cũng là câu chuyện thế thời phải thế. Vì đại sự quốc gia, lãnh vai trò lịch sử của dân tộc giao cho, anh hùng đương thời không thể né tránh. Lên ngôi 1 năm, Lý Công Uẩn xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La, tức Thăng Long. Có nhiều truyền thuyết về vùng đất này được dựng lên, minh chứng cho lý lẽ dời đô của Lý Thái Tổ. Dù vậy, cảm hứng lịch sử, ý chí non sông của vị vua chính danh ấy đã hội tụ được hồn thiêng nước Việt, truyền lại nghìn năm cho con cháu nhịp đập của trái tim Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội. Lý Công Uẩn mất ngày 31 tháng 3 năm 1028, ở ngôi 19 năm, 9 vợ, 17 con, thọ 55 tuổi, bằng tuổi Đinh Bộ Lĩnh, nhiều hơn 7 năm tại vị ngai vàng.

Nhưng tuyệt đỉnh anh hùng trấn Sơn Nam phải là đại danh tướng Trần Hưng Đạo. Ông sinh năm 1232, mất năm 1300, nguyên quán xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ba lần đánh tan quân Nguyên vào các năm 1258, 1285, 1287. Cùng với tư tưởng trung quân minh triết, đức độ, tài năng siêu phàm, Hưng Đạo Vương chẳng những là thượng phụ của vua Trần Thánh Tông, sánh ngang Khương Tử Nha thời Xuân Thu chiến quốc mà còn là thần thánh muôn đời của cả dân tộc. Tác phẩm “Binh gia diệu lý yếu lược” thường được gọi là “Binh thư yếu lược” gồm 4 quyển, cùng với “Dụ chư tỳ tướng sỹ” thường được gọi là “Hịch tướng sĩ” có lẽ là những trước tác kinh điển hàng đầu của Việt Nam. Năm 1289, dân đã lập đền thờ sống ông ở Vạn Kiếp - Hải Dương, gọi là “Sinh Từ”. Sau khi ông mất, hàng năm, vào giờ tý rằm tháng Giêng, tại làng Tức Mặc - Nam Định, dân xếp hàng trước cổng đền Trần, chờ nhận ấn, cầu may. Đã gần 800 năm, anh hùng dân tộc, Đức Thánh Trần Hưng Đạo vẫn linh ứng trong thế giới tâm linh người Việt.

Trấn Sơn Nam còn nổi danh nhan sắc tuyệt đỉnh của phận hồng nhan tình trường đa đoan, làm đổi thay vận nước. Đó là Dương Vân Nga, hoàng hậu của 3 triều đại Ngô, Đinh, Lê. Là vợ của 3 vua kế tiếp nhau: Ngô Vương Xương Văn, Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, bà có 3 con mang 3 họ khác nhau. Ngô Nhật Khánh, làm tướng triều Ngô. Đinh Toàn, làm vua triều Đinh. Lê Thị Phất Ngân, làm hoàng hậu triều Lý, vợ Lý Công Uẩn. Bà còn có cháu ngoại là Lý Phật Mã làm vua, vua Lý Thái Tông. Dù góc nhìn lịch sử khác nhau về nghi án đổi ngôi, tắm máu ngai vàng triều Đinh năm 979, về cuộc tình vụng trộm nơi cung cấm với họ Lê, mà sử gia Ngô Sỹ Liên gọi là sự thông dâm đáng hổ thẹn, nhưng hình bóng một người đàn bà đẹp, thông minh, nhiều tham vọng và quyền lực nhất từ cổ chí kim của nước Việt, chưa ai khuất lấp được vẫn còn đó!

Đất văn chương, chữ nghĩa

Nhân kiệt Sơn Nam còn phải kể đến những tên tuổi lừng lẫy thời xưa như Lương Thế Vinh, Nguyễn Hiền, Lê Quý Đôn, Ngô Quang Bích, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… vang vọng thời nay như Trần Huy Liệu, Nam Cao, Nguyễn Bính… Đó không chỉ là đất của đế vương mà còn là đất của chữ nghĩa, văn chương. Học giả lớn nhất trấn Sơn Nam và có lẽ cũng lớn nhất Việt Nam là Lê Quý Đôn (1726 - 1784). Cha ông là Tiến sỹ Lê Trọng Thứ, người làng Đồng Phú, Hưng Hà, Thái Bình. Ông là tác giả của 40 bộ sách đề cập gần như hầu hết đến văn hóa nhân loại lúc bấy giờ: lịch sử, địa lý, thiên văn, triết học, lý số, thơ văn… Đặc biệt là cuốn “Vân Đài Loại Ngữ”, cuốn bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam. Thời niên thiếu của Lê Quý Đôn cũng là một pho giai thoại về tài năng thiên bẩm, phẩm chất thần đồng. Bài thơ ứng khẩu lúc Lê Quý Đôn còn nhỏ, do mắc lỗi bị phạt, có 8 câu, buộc mỗi câu phải có tên một loài rắn, mà vẫn cực hay. Hai câu kết : “Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học. Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia”, Trâu là quê Mạnh Tử, Lỗ là quê của Khổng Tử. Đó là cách bộc lộ chí lớn của Lê Quý Đôn lúc mới còn là cậu bé 5 tuổi mà không phải ai cũng biết. Người làm thơ thất ngôn bát cú hay nhất và cũng là người có con đường khoa bảng hanh thông nhất nước Việt cũng ở trấn Sơn Nam. Đó chính là Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909). Thơ Nguyễn Khuyến diễn đạt được hòa khí vời vợi của đất trời, đặc tả được sự mong manh, cô đơn của tâm hồn con người trong không gian chật hẹp, hai mặt của cuộc đời. Thơ ông thanh thoát ngôn từ mà trĩu nặng tâm tư, hình tượng gần gũi mà sang trọng, nhạc điệu bay bổng vượt qua niêm luật hà khắc của thơ Đường.

Trấn Sơn Nam thời hiện đại có 2 tên tuổi văn chương chắc chắn thời gian không thể lu mờ, đó là Nam Cao và Nguyễn Bính. Nam Cao (1915 - 1951) là cây bút truyện ngắn tài hoa, chưa ai có thể sánh kịp, tính đến thời điểm 2012. Đọc truyện ngắn của ông, khi cười ra nước mắt, khi thở dài, khi thương cảm, khi khinh bạc… trước những số phận, những cảnh ngộ như vừa thoát thai từ nhân gian, bước vào trang sách. Nếu nhãn quan tinh tế, thời nào cũng thấy thấp thoáng làng Vũ Đại, Bá Kiến, Chí Phèo, giáo Thứ, lão Hạc… Có thể nói, truyện của Nam Cao làm cho người đọc say từng chữ rồi tỉnh cả đời trước nhân tình thế thái. Nguyễn Bính (1918 - 1966), ông hoàng của thơ tình đồng quê, con người nếm trải mười hai bến nước, Nam Bắc bôn ba, làu thông kinh sử, lãnh đủ nỗi đau trần thế mà thơ ông hồn nhiên, trong vắt, đong đưa như sương mai trên cỏ. Thơ ông là nếp cái hoa vàng, tám xoan Vụ Bản, trai phố, gái quê, sang hèn, giàu nghèo, thời nào cũng thích.

Bức thủy mặc hữu tình

Vùng đất Sơn Nam như bức thủy mặc bát ngát châu thổ đồng bằng, chấm phá mấy hòn độc sơn vừa đủ tạo dáng non nước hữu tình. Sơn Nam ôm trọn hạ lưu sông Hồng, sông Trà, sông Đáy… những dòng sông nặng đỏ phù sa, hẹn hò cùng biển cả, sinh nở thêm làng quê, bờ bãi. Văn hóa Sơn Nam không có bề dày thời gian như Xứ Đoài, Kinh Bắc nhưng thừa kế và thăng hoa được tất cả tinh hoa, tâm linh hồn Việt. Sơn Nam là đất của hát chèo, hát xẩm và rối nước. Sơn Nam có những kiến trúc đáng kể như tháp Phổ Minh, chùa Keo, cố đô Hoa Lư, nhà thờ đá Kim Sơn… Sơn Nam có những làng nghề cổ nổi danh thế giới như nghề bạc Đồng Xâm, nghề đúc đồng Lý Nhân… Cảnh quan Sơn Nam không nhiều nhưng lại có những chốn du ngoạn thuộc hàng Nam thiên đệ nhất như Hương Tích, Non Nước, Cúc Phương. Non nước hữu tình ấy đương nhiên cũng là nơi nương náu, giao duyên của những cuộc tình thơ mộng. Người ta thường biết đến Hồ Xuân Hương là bà chúa thơ Nôm, nhưng rất ít người biết bà còn có tuyệt tác thơ chữ Hán cùng với câu chuyện tình Nam - Bắc lãng mạn, bi thương trên đất Sơn Nam. Năm 1807, Trần Quang Tĩnh, người Sài Gòn - Gia Định, được bổ làm quan Hiệp trấn Sơn Nam Hạ, ông gặp Hồ Xuân Hương ở Nam Định. Gái lồng lộng hồn thơ, trai hải hồ ngàn dặm, lẽ nào ngoảnh mặt làm ngơ. Được 2 năm 4 tháng, Trần Quang Tĩnh được thăng quan, trở về Nam nhận chức, đến Cổ Nguyệt Đường chia tay người tình. Họ Hồ bày tiệc dưới trăng đưa tiễn. Quang Tĩnh xướng vần ly biệt, Xuân Hương họa bút vấn vương. Xuân Hương ngỏ ý nàng đã đợi chàng như chim khách : “…Khiêu cầu hữu ý minh hoàng xướng. Nhiễu thụ vô đoan ngữ thước huyên…” ( Phượng Cầu ai gảy đàn đưa ý. Chim khách kêu chi ngõ vắng buồn). Năm 1018, Trần Quang Tĩnh được thăng thêm chức Tào Binh, lại ra Bắc thống lĩnh quân đội Bắc thành, gặp lúc Trần Phúc Hiến, tức ông phủ Vĩnh Tường mắc tội chết, vì phép nước, Quang Tĩnh vẫn phải xuống lệnh chém đầu, mặc cho Xuân Hương khóc lóc van xin. Cũng như vùng đất Sơn Nam, thơ và tình Hồ Xuân Hương còn có máu và nước mắt, trần gian là thế:

“Hạt sương dưới chiếu chau mày khóc,

Giọt máu trên tay mỉm miệng cười”!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét