Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

CÁCH XƯNG HÔ TRONG GIA ĐÌNH - CHI TỘC HỌ

Trong quan hệ giao tiếp việc xưng hô là rất quan trọng, đặc biệt trong gia tộc. Ngày nay, trong giao tiếp mọi người thường dùng tiếng Việt…Song trong tang lễ hay cúng giỗ các thầy hoặc bậc trưởng gia đình thường dùng từ Hán Việt mà ngày nay ít người nhớ nổi.
Trong Xưng hô  thì “xưng” là tiếng tự gọi mình còn “hô” tiếng gọi người khác.
Danh xưng biểu hiện thứ bậc trong gia đình, gia tộc; về quan hệ trên dưới, cấp chức trong công sở hay việc giao tiếp ở ngoài xã hội…Nhưng khi cúng giỗ, xướng danh khi tang lễ vẫn còn dùng từ xưng hô bằng âm Hán Việt mà với số đông là nghe rất trúc trắc, khó nhớ. Theo sách THỌ MAI GIA LỄ việc thờ cúng ở gia đình Chi tộc, chỉ tới 5 đời, còn lại là tống giỗ, tổ chức tế lễ rước cụ tổ Lục đại (6 đời) về Từ đường (Nhà thờ) đại tộc. Do vậy trong các lễ tang, các buổi cúng giỗ thường chỉ dùng các từ xưng hô trong 9 đời trên bản thân 4 đời và dưới bản thân 4 đời. Rất nhiều gia đình, chi tộc ngày nay cúng khấn cả từ Thủy Tổ và Tiên Tổ đến các cụ Cao Tổ, Tằng Tổ, Ông Bà...
Vấn đề Cửu huyền, Thất Tổ và Cửu tộc có những cách lý giải khác nhau, trong hoàn cảnh khác nhau. Xưng hô trong Cửu huyền theo quan niệm thời vua Nghiêu vua Thuấn được trở lại từ thời Nhà Tần là lấy người trong họ của cha, bà con Trực hệ từ bản thân ngược lên 4 đời, và lấy xuống 4 đời, tức là từ cụ Cao Tổ xuống đến cháu Huyền tôn là 9 đời . Theo đó, âm Hán Việt được đọc và viết như sau: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Ngã, Tử, Tôn, Tằng, Huyền ( ). Trên Internet có định nghĩa của người Trung Quốc về Cửu huyền九玄 như sau:子 (Tử, con)、孫 (Tôn, cháu)、曾 (Tằng, chắt)、玄 (Huyền, chút)、來 (Lai, chít)、昆 (Côn, nối)、仍 (Nhưng, quay lại)、雲 (Vân, xa)、耳 (Nhĩ, chút chít).

Một gia đình gồm có ông bà, cha mẹ và con cháu mở rộng ra nhiều gia đình họp lại thành Gia tộc
家族 nghĩa là họ. Nói một cách đơn giản và đầy đủ thì Gia tộc là cộng đồng những người cùng do một Cụ Tổ sinh ra.

Hệ thống tôn ti trật tự trong Gia tộc 9 thế hệ của người Việt rất chi li như sau:


VIỆT
Kỵ
Cụ
Ông
Cha
Tôi
Con
Cháu
Chắt
Chút
HÁN VIỆT
Cao Tổ
Tằng Tổ
Tổ
Phụ
Ngã
Tử
Tôn
Tằng
Huyền
NGHĨA
Cha của Cụ
Cha của Ông
Cha của Cha
Cha của mình
Mình
Con của mình
Cháu của mình
Chắt của mình
Chút của mình

Trong gia đình CHI tộc còn bao gồm cả những người mang họ khác, thuộc Gia tộc khác làm dâu, rể trong họ. Do vậy, con cháu còn phải thọ tang nhiều người khác quanh mối trực hệ. Đó là: “chú” (em trai của “bố”), “cậu” (em trai của “mẹ”), “cô” (em gái của “bố”), “dì” (em gái của “mẹ”), “thím” (vợ của “chú”), “mợ” (vợ của “cậu”), “bác” (anh hay chị của “bố” và của “mẹ”). Nên Cửu huyền trong Tang lễ lại là Cửu tộc (九族) có trong thời Nhà Chu. Đó là bà con chín họ có liên hệ thân thuộc với bản thân còn sống, khóc than cho cái chết và chịu tang người quá cố với 9 hạng người, gồm: 4 hạng thuộc Tộc Cha (Những người trong Ngũ phục, Cô và con cô, Chị em gái và con của chị em gái, Con gái và con của con gái ); 3 hạng thuộc Tộc bên nhà Mẹ (Ông ngoại, Bà ngoại, Cậu Dì) và 2 hạng thuộc Tộc bên nhà Vợ (Cha đẻ, Mẹ đẻ).
Như vậy, Cửu Huyền căn cứ ở huyết tộc, lấy xa gần làm bà con thân sơ theo Trực hệ: Từ bản thân lên đến Cao Tổ là 4 đời, xuống đến Huyền tôn 4 đời. Còn Cửu tộc là những người theo mối quan hệ Bàng hệ là từ Bản thân ngang ra đến Anh em ba tầng, kiêm cả nội ngoại.
Tổng hợp lại khi Cúng giỗ hay trong Tang ma phải biết những người quan hệ cả theo chiều ngang và theo chiều dọc với bản thân người chủ. Đó chính là: "Bản thị Cửu tộc, Hệ thống Cửu huyền". Phối hợp Trực hệBàng hệ, những người thân thiết trong 9 họ gồm: 1. Cha ruột.; 2. Mẹ ruột; 3. Cha vợ (hay Cha chồng); 4. Mẹ vợ (hay Mẹ chồng); 5. Vợ (hoặc Chồng) của Bản thân; 6. Anh chị ruột; 7. Em ruột trai hay gái; 8. Con; 9.Cháu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét