QUÊ HƯƠNG



ĐẤT TRỰC NINH - NGƯỜI TRỰC NINH


Nằm trên dải đất phía nam của tỉnh Nam Định, án ngữ một phần con đường chạy từ thành phố ra biển Đông, Trực Ninh là một huyện trọng yếu về an ninh, chính trị quốc phòng, là huyện trọng điểm lúa của tỉnh.
Trực Ninh sau khi tái lập( 1-4-1997 ) có diện tích khá rộng 14.318,96 ha với dân số 188.189 người; có 21 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã: Trực Thắng, Trực Phú, Trực Thái, Trực Đại, Trực Cường, Trực Hùng, Trực Thuận, Trực Khang, Trực Mỹ, Trực Hưng, Trực Nội, Trực Thanh, Trực Đạo, Trực Chính, Trực Tuấn, Cát Thành, Liêm Hải, Việt Hùng, Phương Định, Trung Đông và thị trấn Cổ Lễ.
Địa hình Trực Ninh khá bằng phẳng, phìa bắc giáp huyện Nam Trực, phía đông giáp huyện Xuân Trường, phía tây giáp huyện Nghĩa Hưng, phía nam nối liền với huyện Hải Hậu, mặt bằng ruộng đất có độ nghiêng từ bắc xuống nam, nhưng cốt đất ở phía băc lại đột ngột thấp hẳn xuống. Hầu hết ruộng đất ở vùng này xưa kia chỉ cấy được một vụ chiêm, từ tháng 6 âm lịch trở đi, tất cả ruộng nương, đường xá đều ngập chìm trong nước. Nhân dân đi lại phải dùng đò đồng. Người Trực Ninh xưa kia đã hằng ca thán:
Đồng người tám nếp nổ trổ bông
Đồng ta chỉ có rêu, rong, má đề
Hoặc
Được đồng Sồng no lòng thiên hạ
Trăm cái tội không bằng lỗ lội làng Kênh
Ngày nay, với đường nối phát triển nông nghiệp của Đảng, công tác trị thuỷ được đặc biệt chú trọng, ruộng đất Trực Ninh đã cấy được hai, ba vụ quanh năm xanh tốt. Trực Ninh trở thành vùng trọng điểm lúa của tỉnh với năng xuất lúa những năm gần đây đạt từ 10 đến 12 tấn/ha.
Được sông Hồng và sông Ninh Cơ hàng năm đem phù sa về bồi đắp nên đất đai của huyện rất màu mỡ. Sông Ninh Cơ chảy vắt ngang huyện vừa có tác dụng tưới tiêu cho đồng ruộng vừa tạo điều kiện cho giao thông đường thuỷ.
Quốc lộ 21A là mạch máu giao thông từ huyện tỏa đi muôn nơi, về phía nam nối Trực Ninh với Hải Hậu, Xuân Trường, về phía bắc lên thành phố Nam Định nối liền với Quốc lộ 1A và Quốc lộ 10 đi khắp mọi miền đất nước. Đường tỉnh 65 là con đương liên huyện nối Quốc lộ 21A và đường tỉnh 55 qua hai huyện lỵ Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Hệ thống đường liên xã, liên thôn là cầu nối phát triển kinh tế, văn hoá đến tận thôn, xã.
Trong quá trình biên thiên của lịch sử, địa giới hành chính của Trực Ninh cũng đã nhiêu lần thay đổi. Năm 1883 nhà Nguyễn quy định lại địa giới hành chính, thành lập huyện với tên gọi ban đầu là Chân Ninh, có 7 tổng, 62 xã thôn, trang bao gồm một vùng đồng bằng rộng lớn với con sông Ninh Cơ chảy vắt ngang huyện. Huyện Chân Ninh ở phía Nam của phủ Thiên Trường, phía bắc giáp huyện Nam Chân ( Nam Trực), phía đông giáp huyện Giao Thuỷ, phía tây giáp phân phủ Nghĩa Hưng và phía nam vươn tới giáp ven biển của vịnh Bắc Bộ. Năm 1833, khi doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tiến hành khai khẩn vùng đất ven biển tỉnh Nam Định, ông tập trung dân khai khẩn hải phận các xã Ninh Cường, Cát Giả. Vùng đất mới được khai khẩn ông lập thành một tổng mới lấy tên là tổng Ninh Nhất.
55 năm sau, khi huyện Hải Hậu được thành lập ( 27-12-1888) Thống sứ Pháp, chuẩn y quyết định của nhà kinh lược Bắc Kỳ, tách hai tổng Quần Phương, Ninh Nhất nhập vào huyện Hải Hậu, huyện Chân Ninh còn lại 6 tổng.
Năm Thành Thái thứ II (1891) huyện Chân Ninh được đổi thành Trực Ninh bao gồm Ngọc Giả Thượng, Ngọc Giả Hạ, Diên Hưng Hạ, Ninh Cường, Văn Lãng, Thần Lộ và Phương Để với hơn 20 xã, thôn, trang.
Sau cách mạng thang tám năm 1945, cấp tổng được bãi bỏ nhưng các xã và tên gọi các xã vẫn giữ nguyên.
Năm 1947, đáp ứng tình hình chống thực dân Pháp, các xã đã hợp nhất với quy mô lớn hơn, thành 16 xã với tên gọi mới, đó là: Đỉnh Tân, Liên Phương, Việt Hưng, Việt Nhân, Việt Hùng, Hợp Thịnh, Hợp Hưng, Quốc Tuấn, Cát Chử, Quang Hưng, Tân Việt, Ninh Cường, Tam Lác, Minh Tân, Minh Đức.
Năm 1949 xóm Quần An thôn Lác Phường xã Tam Lác được chuyển vào xã Đông Lạc, huyện Nghĩa Hưng.
Tháng 10-1952 cả 16 xã đều đổi tên mới, có chữ Trực đứng đầu. Năm 1956, về địa lý, hành chính ở huyện Trực Ninh có nhiều thay đổi: Nhiều thôn xóm của các xã ở hai bờ sông Ninh được tách ra, nhập vào huyện Hải Hậu. Phần đất Đồng Nê, Tả Hà rộng, dài, chạy bên hữu ngạn sông Ninh Cơ từ trại Chí Thiện đến thôn Ngọc Cục, thuộc xã Trực Định nhập vào huyện Xuân Trường.
Cùng thời gian đó, có 6 xã được chia tách, lập thành 12 xã mới, có 3 xã chia tách thành 9 xã mới, đưa tổng số xã của huyện Trực Ninh đến hết năm 1956 từ 16 xã lên 28 xã.
Năm 1961 cả xã Trực Hoà được chuyển về huyện Nghĩa Hưng. Tháng 3-1968 thêm 7 xã phía nam sông Ninh Cơ nhập vào huyện Hải Hậu, huyện Trực Ninh còn 20 xã hợp nhất với huyện Nam Trực từ 1-5-1968.
Đến đầu năm 1997, 6 xã phía nam sông Ninh Cơ lại nhập về với huyện, để cùng với 15 xã, thị trấn, mới tách từ huyện Nam Ninh, tái lập lại huyện Trực Ninh, có vị trí địa lý, hình thế như bản đồ hiện nay.
Là vùng đất mới hình thành do quá trình biển bồi nên mãi tới thế kỷ X dân cư từ khắp mọi nơi như Hà Nam, Thanh Hoá, Hải Dương, Hà Đông... mới tụ về đây định cư sinh cơ lập nghiệp.
Buổi đầu, cư dân sinh sống chủ yếu dựa vào việc đánh bắt tôm cá và san gò, lấp vũng thành những cánh đồng trồng lúa, cây hoa màu. Năm này qua năm khác cuộc sống dần ổn định, cùng với những chân ruộng lúa xanh tốt, ở vùng đất bãi ven sông Hồng, sông Ninh, người Trực Ninh xưa nay đã biết tận dụng ưu thế của vùng đất bãi để trồng dâu nuôi tằm kéo kén, ươm tơ đã gắn bó chặt chẽ với người dân nơi đây ngay từ thủa ban đầu ấy.
Trải bao năm dài gian nan vất vả, tận lực công sức mồ hôi khai thiên lập địa tạo dựng xóm làng, một miền quê trù phú, dân cư quần tụ đông vui đã hình thành. Với tính chất là nơi hội tụ của nhiều thành phần dân cư. Các dòng họ cũng đem theo về những nét văn hoá độc đáo và những nghề thủ công đa dạng. Những nghề thủ công ban đầu mang tính tự cấp tự túc phục vụ cho sinh hoạt của từng gia đình, như nghề đắp đất, đục, đẽo, đan nát, chăn tằm kéo tơ... Cùng với năm tháng, với đôi tay khéo léo của người Trực Ninh, những nghề thủ công ngày càng phát triển trở thành những ngành nghề truyền thống với nhiều mặt hàng tinh xảo, đặc biệt là nghề chăn tằm, ươm tơ, dệt vải. Chính vì vậy mà thế kỷ XIX, sau khi hoàn thành xâm lược nước ta, ngay trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, cùng với việc thành lập công ty bông vải sợi Bắc Kỳ và mở rộng sản xuất, một số tư bản Pháp đã phát hiện ra tiềm năng của vùng nông thôn Trực Ninh có đội ngũ thợ thủ công đông, tay nghề khá, có vùng đất bãi phù hợp với việc trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ, các tư bản Pháp liền đầu tư, khuyến khích nghề này phát triển, Trực Ninh trở thành vùng vành đai nguyên liệu cung cấp cho công ty bông vải sợi Bắc Kỳ.
Từ đây, nghề chăn tằm ươm tơ dệt vải phát triển thịnh đạt, bước đầu là ở các xã thuộc tổng Phương Để và tổng Thần Lộ... tơ Cổ Chất cùng với lụa Quần Anh ngày ấy đã nức tiếng khắp mọi vùng. Một lớp thợ thủ công mới xuất hiện và ngày thêm đông đảo một số người kinh nghiệm vốn liếng đã giàu lên nhiều người trở thành tư sản ngành dệt tỉnh Nam Định. Năm 1926 đánh dấu bước phát triển thịnh đạt của nghề này bằng việc một tư bản Pháp bỏ vốn xây dựng nhà máy ươm tơ Cổ Chất. Con đường từ ngã ba Vô Tình vào nhà máy cũng được mở rộng để vận chuyển nguyên liệu hàng hoá... nhiều thợ ươm tơ ở Cổ Chất xã Phương Để đã vào làm việc cho nhà máy. Những năm sau tư bản Pháp lại xây tiếp hai cơ sơ ươm tơ nữa là Quy Phú (Nam Hồng ) và Lạc Quần. Sự ra đời của nhà máy và các cơ sở ươm tơ đã thúc đẩy mạnh nghề dâu tằm.
Nghề thêu ren tuy phát triển hơi muộn nhưng từ dầu đã trở thành một nghề khá nổi tiếng ở huyện Trực Ninh. Năm 1925 ông Vũ Ngọc Bình người thôn Trung Lao du học ở Pháp khi về nước ông mang theo nghề thêu ren dạy cho dân làng và đầu tư kinh doanh mặt hàng này để xuất khẩu sang Pháp. Từ đó nghề thêu ren phát triển sang các huyện khác của tỉnh Nam Định.
Bên cạnh phát triển nhanh và nổi tiếng của nghề dâu tằm tơ, thêu ren, những sản phẩm nông nghiệp của Trực Ninh cũng nức tiếng đó đây như gạo tám xoan, gà Nhang Cát ( Hương Cát), chuối tiêu, chè xanh Tuân Lục, Hải Lộ...
Sản xuất lưu thông tấp nập nhộn nhịp khiến cho bộ mặt kinh tế xã hội của huyện Trực Ninh trong thế kỉ XIX biến đổi nhanh chóng. Những trung tâm buôn bán như Cổ Lễ, Ninh Cường, Liễu Đề, Trung Lao, Cát Chử hình thành ngày càng mở mang thu hút các thương nhân từ Hà Nội, Hải Phòng, Hà Đông thường xuyên về mua bán tơ lụa, vải, sợi. Qua các trung tâm này và hàng chục chợ ở thôn xã, các mặt hàng và sản vật nổi tiếng của Trực Ninh như gạo tám xoan, gà Nhang Cát, hàng thêu ren Trung Lao, vó lưới Hạ Đồng... Đã thu hút người mua và theo chân họ toả đi muôn nơi.
Khi kinh tế phát triển, yêu cầu về xây dựng là một điều tất yếu. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà cửa và các công trình công cộng, những xã ở ven sông đắp lò đốt gạch lung vôi. Người dân An Lãng, Trung Lao còn lên rừng đốn, xẻ gỗ trở về xuôi... Với những lao động cần cù, khéo léo. Xối đông trở lên nổi tiếng về nghề xây, Trung Lao nổi tiếng về nghề mộc, thêu ren...
Làng, xã được khẳng định gắn liền với kỷ cương và nét văn hoá làng xã, cộng đồng, từng làng có hương ước để giữ gìn nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Đối với người cao tuổi hương ước quy định cả cộng đồng phải tôn trọng, có ngày yến lão trong năm để chúc thọ các bậc cao niên. Trong mỗi gia đình, dòng họ phải giữ nề nếp gia phong, tôn kính ông, bà, cha, mẹ. Người phụ nữ phải lấy công, dung, ngôn, hạnh làm chuẩn mực. Gạt bỏ những thủ hủ tục phong kiến, hương ước thật sự là kỷ cương giữ gìn nếp làng, huyện Trực Ninh dưới thời phong kiến.
Mang nặng phong tục tập quán của cư dân nông nghiệp đời sống tâm linh của người Trực Ninh gắn liền với việc tôn thờ trời đất và thờ cúng tổ tiên, gắn liền với quá trình hình thành làng, xã, đạo Phật cũng hình thành và trong buổi đầu là đạo duy nhất thống trị đời sống tâm linh của người dân. Khắp mọi làng đều xây chùa thờ phật, các tín đồ lấy vô ngã vị tha, từ bi hỷ xả làm tâm niệm sống. Những chùa ở Trực Ninh không chỉ là nơi thờ cúng Phật mà đó là những công trình kiến trúc tuyệt tác của người dân xứ này.
Xây từ thời Lý, chùa Thần Quang tức Thần Quang Tự ở Cổ Lễ thờ Phật và đại thiền sư Nguyễn Minh Không uyên thâm về giáo lý và y học. Tháp chùa Cổ Lễ là một trong những công trình hết sức độc đáo thể hiện óc thẩm mỹ tinh tế và bàn tay tài hoa của nhưng người thợ Trực Ninh, Trong đạo Phật tháp chùa Cổ Lễ được gọi là tháp Cửu phẩm liên hoa. Tháp được xây dựng năm 1921, cao 32 mét, có 13 tầng với 62 bậc xoáy trôn ốc từ chân lên đỉnh là một trong số ít những tháp chùa đẹp, uy nghi được xây dựng ở Việt Nam. Quả chuông đồng ở chùa Thần Quang cũng nặng tới 9 tấn, cao 4,2 mét, đường kính 2,3 mét. Trải qua hàng thế kỷ dãi dầu bão, gió, nắng, mưa và cả chiến tranh ác liệt, tháp chùa Cổ Lễ tuy có bị lún nghiêng nhưng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Chùa Thần Quang đã được nhà nước sếp hạng di tích lịch sử văn hoá và là một trong nhưng danh lam nổi tiếng của tỉnh Nam Định. Cùng với chùa Thần Quang còn có Thanh Quang Tự (chùa Thanh Quang) ở Cự Trữ được xây dựng từ thời hậu Lê với những đường nét chạm trổ tinh xảo, có chiếc khánh đồng dài 2,3 mét, cao 1,33 mét đúc năm 1747, trên mặt khánh có bài minh của bảng nhãn Lê Quý Đôn. Phổ Quang Tự (chùa Phổ Quang) ở Cổ Chất, Phúc Linh Tự (chùa Phúc Linh) ở Trực Cường, Phổ Quang Tự ở Hương Cát, Thị trấn Cát Thành là những danh lam còn lưu dữ được là nhiều di tích văn hoá thời Lê rất đa dạng, phong phú phản ánh những thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam.
Cùng với các chùa thờ Phật, các làng còn tôn vinh những người có công với dân, với nước, với làng làm Đức ông, Đức bà, Thành Hoàng và xây Đền, tĩnh để thờ như đền thờ hai Anh em Dịch Chiết, Cung Cai ở thôn Hương Cát, Thị trấn Cát Thành, hai anh em đã đứng lên hô hào nhân dân đứng lên đánh đuổi quân của Thái thú Tô Định, giúp Hai Bà Trưng giành lại giang sơn. Nhiều nơi còn xây phủ để thờ Thánh Mẫu, phủ thờ Thánh Mẫu được xây dựng riêng hoặc kết hớp trong khuôn viên của các chùa và các am miếu thờ Thần linh tín ngưỡng dân gian.

Đình làng thờ Thành Hoàng, người có công lập ấp mở mang nghề nghiệp chăm lo cho dân, hoặc có công đánh giặc giữ nước. Đình làng còn là cái "trụ sở" của thôn, là nơi để các cụ tiên chỉ và chức sắc của thôn bàn việc, xử các rắc rối trong thôn theo hương ước. Rồi việc làng còn có cả khoản... cỗ bàn đánh chén tại Đình. Xét như vậy, Đình làng chính là cuốn sử làng. Có thể coi từ khi có Thành Hoàng mới là có thôn ấp vậy. Đình nào thì mỗi năm cũng có hội Đình, có ngày mở cửa Đình cho dân làng sở tại dâng lễ thắp hương cúng tế. Trong văn tế có lời kể lại công đức của Đức Thành Hoàng và thông báo lễ vật dâng hàng năm.
Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, nhiều đình, chùa, đền, ở Trực Ninh đã trở thành nơi hội họp của cán bộ, đảng viên, nơi che dấu cán bộ, tài liệu cách mạng. Các đình chùa đó không những là nơi gửi gắm niềm tin, khát vọng của nhân dân mà còn gắn liền với vận mệnh dân tộc trong thời kỳ gian nan ác liệt, nhiều cơ sở đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá.
Năm 1533, đánh dấu một sự du nhập một tôn giáo mới vào Việt Nam, đó là đạo Thiên Chúa. Tổng Ninh Cường là một trong hai địa danh đầu tiên tiếp nhận sự du nhập của tôn giáo này với sự có mặt và tích cực truyền đạo giáo của giáo sĩ I-in-khu. Sang thế kỷ XVII với sự truyền đạo ráo riết của các giáo sĩ phương tây, từ Ninh Cường đạo thiên chúa đã phát triển rất nhanh ở Trực Ninh và góp phần đặt nền móng cho sự mở mang nước chúa ra các tỉnh Bắc Bộ.
Năm 1866, nhà thờ họ Vinh Sơn xứ Trung Lao được xây dựng hoàn tất. Sau đó, nhiều nhà thờ cũng lần lượt xây cất như nhà thờ họ Giu Se xây năm 1887, nhà thờ họ Đức Bà (1888), nhà thờ họ Phao Lô (1898), nhà thờ Đức Bà (Đức mẹ Mân Côi) (1888-1898). Năm 1894 nhà thờ xứ Ninh Cường cũng hoàn thành nguy nga, bề thế. Đến đầu thế kỷ XX , đạo Thiên Chúa phát triển tới hầu khắp các xã trong huyện và xã nào cũng xây dựng nhà thờ để giáo dân đến cầu nguyện . 
Trực Ninh là một trong những vùng đất văn hiến tiêu biểu của Sơn Nam hạ trấn. Ham học hỏi, tôn sư trọng đạo vốn là nét truyền thống tốt đẹp của nhân trong huyện. Việc học để thông hiểu Chữ thánh hiền đã là mơ ước và tiêu chí phấn đấu của mỗi gia đình, dòng họ. Mỗi lần Triều đình mở khoa thi đều có nho sinh của huyện Trực Ninh ứng thi và nhiều người đã đỗ đạt cao, trở thành những bậc hiền tài của đất nước, đó là cha con Ông Đào Toàn Phú ở xã Cổ Lễ đã đậu Tiến sĩ, đặc biệt người con Đào Sư Tích đã đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ cấp đệ, đệ nhất danh tức trạng nguyên tại khoa thi năm 1374 dưới thời vua Trần Duệ Tông. Từ thời Lê trở đi thêm nhiều Tiến sĩ về quê hương Trực Ninh vinh quy bái tổ như Bùi Chí (Xã An Lãng ), Dương Bạt Trác (Xã Cổ Lễ), Đinh Thao Ngọc (Xã Trừng Hải), Trịnh Tòng, Đoàn Văn Thiệp... Các nhà nho có học vị cử nhân, tú tài làng nào cũng có. Nhiều vị Tiến sĩ, cử nhân đã làm quan trong triều, quan tỉnh, phủ, huyện như cụ cử nhân Phan Khắc Tân đã làm tri huyện Thanh Trì, Hà Nội. Những người đậu tú tài thì mở lớp dậy học ngay tại làng quê làng quê, nhờ đó mà việc học hành được mở mang coi trọng.
Khi chữ quốc ngữ xuất hiện được truyền bá thay thế chữ Hán, chữ Nôm và trở thành văn tự chính thức ở nước ta, thì việc học chữ quốc ngữ trở thành cấp bách. Song, do chính sách ngu dân của thực dân Pháp nên hầu hết người dân trong huyện đều mù chữ, chỉ có một số con cháu quan lại, con nhà giàu có mới được đi học. Lúc đầu ở huyện Trực Ninh chỉ có một trường dậy chữ quốc ngữ đặt ở xã Nam Lạng tổng Văn Lãng .
Cách mạng tháng 8 năm 1945 lật đổ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời thực hiện chính sách diệt giặc dốt như giặc ngoại xâm, những lớp học chư quốc ngữ ở Trực Ninh mọc lên khắp các làng, xã, nhân dân không kể già, trẻ nô nức đi học. Kết quả là đến đợt bầu cử quốc hội khoá I đầu năm 1946 nhiều người đã tự tay viết vào lá phiếu để bầu đại biểu quốc hội.
Sau năm 1954, sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh, các trường cấp I, cấp II ở các xã được thành lập và hoàn chỉnh. Tháng 9 năm 1965 trường cấp III Trực Ninh được thành lập với 300 học sinh theo học năm 1965-1966. Tháng 5 năm 1976, trường cấp III Trực Hưng lần lượt ra đời. Ngay sau khi tái lập huyện Trực Ninh, năm học 1997-1998 huyện mở thêm trường THCS Đào Sư Tích, năm học 1999-2000 trường PTTH Lê Quý Đôn được thành lập.
Những thế hệ học sinh Trực Ninh sau khi rời ghế nhà trường nhiều người vì vận mệnh Tổ quốc đã lên đường đi chiến đấu không thể học hành. Những người được tiếp tục theo học bậc đại học đều phát huy được khả năng và nhiều người đạt được học vị tiến sĩ, phó tiến sĩ, hoặc làm giáo sư, phó giáo sư. Không ít những người con đã phát huy được truyền thông văn hiến quê hương trở thành những nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, các chuyên viên cán bộ cao cấp của Đảng, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.
Đời sống văn hoá tinh thần của người Trực Ninh cũng rất đa dạng, phong phú, vừa phản ánh những nét riêng theo phong tục, tập quán của mỗi làng quê, vừa ghi đậm dấu ấn bản sắc dân tộc.
Từ năm 1258 dưới thời vua Trần Thái Tôn và các năm 1285, 1287 thời vua Trần Nhân Tông, quân dân Đại Việt cưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh triều Trần đã lập chiến công hiển hách: Ba lần chiến thắng quân Nguyên-Mông, đội quân đã từng bách chiến bách thắng trên các chiến trường châu Âu, châu Á. Khi chiến sự diễn ra quyết liệt, trước sức mạnh ồ ạt của giặc; vua tôi nhà Trần đã rời kinh thành Thăng Long về Thiên Trường tìm kế chống giặc, vua Trần chú trọng xây dựng phòng tuyến phía Nam, để phòng giặc Nguyên-Mông từ phía biển đánh lên. Hưởng ứng việc xây dựng phòng tuyến đánh giặc, ở Trực Ninh có hai anh em sinh đôi là Bùi Khiết và Bùi Tuyết đã về Xối Đông chiêu nạp binh sĩ, đóng đồn Thượng, đồn Trung. Hàng ngày quân sĩ luyện tập đao, kiếm, luyện tập cưỡi ngựa đánh gươm sẵn sàng giết giặc. Cùng thời gian đó có ông Trương Long, giỏi võ nghệ về chiêu binh, nạp sĩ, lập đồn Hạ, dựng lầu cao làm nơi quan sát tình hình quân địch. Ba đồn hình thành 1 cụm căn cứ liên hoàn, án ngữ bờ nam sông Hồng, phòng ngừa quân giặc.
Đầu xuân Ất Dậu (1285) chính quân tướng ở ba đồn binh này đã phục binh, rút ván cầu, làm cầu giả lừa quân Nguyên tư phía Bắc xuống, xua chúng qua cầu rồi rút ván cho rơi xuống sông, bọn còn sống sót hoảng loạn, tháo chạy thì sa vào trận địa phục kích sẵn bị đánh tơi tả thất bại hoàn toàn.
Từ trận chiến thắng Nguyên-Mông mùa xuân ấy, cầu được mang tên la cầu Vô Tình. Đới sau mùa xuân có người qua cầu Vô Tình đã làm bài thơ Vô Tình hoài cổ cảm khái vì trận chiến thắng đó:
Địa Quảng thiên cao, tứ vọng binh
Vô Tình đáo thử lãng do minh
Trần Quân ca xứ, Nguyên quân khấp
Kỷ độ xuân phong đoản sáo hoàng
Nơi ba đồn binh nhà Trần, nay thuộc các thôn Xối Đông Thượng, Xối Đông Trung, Xối Đông Hạ, cung thờ các tướng Bùi Khiết, Bùi Tuyết, Trương Long, còn con ngựa, đường Bồ Đề... thuộc xã Trực Đông (nay là xã Trung Đông) năm 1995 đã được Bộ văn hoá xếp hạng, trao Bằng di tích Lịch sử văn hoá.
Ở Mặt lăng Kênh, Mặt lăng Mưỡu còn ghi dấu tích chiến công và đền thờ các vị tướng triều như Trần Nhật Duật, Trần Công Châu, Vũ Quốc Đông ... đã lãnh đạo quân đánh giặc…
Đầu thế kỷ XV, quân Minh xâm lược nước ta, cùng với cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi, nhiều cuộc khởi nghĩa khác đã mở ra, trong đó có tướng quân Lê Điệt, từ căn cứ Diên Hà-Kiến Xương, chuyển sang địa bàn Trực Ninh luyện quân, chờ thời cơ đánh giặc.
Ông Vũ Thái đã đầu quân làm tướng của Lê Lợi, được phong Tổng thuỷ đội, lục quân. Khi đất nước thanh bình, ông trở về an nghỉ, khảo thưởng dân làng. Đền thờ ông hiện còn ở An Trung, Lộng Khê (Xã Trực Đinh).
Dưới triều Lê-Mạc, nhiều tướng lĩnh lập công, được phong thưởng hiện còn dấu tích và đền thờ ở Trực Ninh nhưhttp://l.yimg.com/us.yimg.com/i/mesg/emoticons7/10.gifhạm Thế Trưng ở Quỹ Đe được phong: phụ quốc thượng tướng quân, Thái bảo trực quận công, Triệu Hưng Uy ở Quỹ Đe được phong Cấm y vệ tả hữu hanh điểm An phương hầu. Hà Đình Siêu ở Nam Mỹ được phong Thiểm đọc tư dực bảo trung hưng, kỵ thiết mã tín trung hầu. Đăng Đinh Kỷ ỏ Nam Ngoại được phong Thú nhất bách bộ vy phấn lực tướng quân, Ninh Khác Khoan (ở Văn Lãng) được phong: Phấn lực tướng quân, Tư Lễ Giám ở Nam Phúc được phong hình bộ Thượng Thư.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (từ 1858), triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, lùi dần trước sức ép của thực dân và cuối cùng đặt toàn bộ đất nước ta dưới ách thồng trị của thực dân Pháp. Cả nước đã dấy lên cao trào chống Pháp và triều đình nhà Nguyễn.
Hưởng ứng phong trào Đông du do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo, cụ Phan Đình Mẫn ở Dịch Diệp đã bí mật quyên tiền, gạo và vận động thanh niên hưởng ứng sôi nổi. Trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), nhân cơ hội nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng, tổ chức Quang Phục do cụ Phan Bội Châu sáng lập chủ trương tổ chức những cuộc bạo động vũ trang đánh Pháp ở nước ngoài để phối hợp với lực lượng vũ trang ở trong nước. Nhiều thanh niên, học sinh đang học tại Băng Cốc (Thái Lan) rất tích cực theo chủ trương của Quang Phục hội, trong đó có sinh viên Đinh Trọng Liên (tức giáo Trung), tức Hồng Việt, sinh năm 1882 người xã Trừng Hải.
Chính quyền Xiêm đã theo dõi bắt các anh đưa về Việt Nam. Thực dân Pháp mở phiên toà đại hình từ ngày 17 đến ngày 20-10-1916 do hội đồng quân sự thứ I Bắc Kỳ xét xử, chúng đã kết án tử hình Đinh Trọng Liên và một số người khác. Hồi 6 giờ ngày 6-11-1916 chúng thi hành án tại Nam Định. Viên chánh mật thám Bắc Kỳ thị sát vụ hành hình đã báo cáo lên cấp trên của hắn: Những người bị án, ra pháp trường một cách bướng bỉnh. Nhất là giáo Trung ngậm thuốc lá ở mồm đến phút cuối cùng.
Từ sau năm 1930 dưới ngọn cờ lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Trực Ninh đã bền bỉ, kiên cường tiến hành cách mạng tháng tám thành công, xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến ở địa phương, xây dựng chính quyền cách mạng, chính quyền mới của nhân dân.
Trong giai đoạn chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn lượt nam nữ thanh niên Trực Ninh đã gia nhập quân đội chiến đấu tại các chiến trường, làm nghĩa vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, có hàng ngàn lượt người đã ngã xuống để bảo vệ độc lập tự do mà Lưu Chí Hiếu thôn Hương Cát, Thị trấn Cát Thành đã trở thành biểu tượng sáng ngời của những người công sản giữ vững khí tiết, quyết không ly khai Đảng đến hơi thở cuối cùng. Hàng chục ngàn người đã có công lao trong sự nghiệp cách mạng, trong đó có hai người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang: Đỗ Trọng Ngân sinh năm 1925 ở Trực Bình và Ngô Quang Điền sinh năm 1948 ở Trực Thuận. Nhiều bà mẹ đã dành người con duy nhất cho sự nghiệp đánh giặc cứu nước. Nhiều bà mẹ đã đóng góp từ 3 người con trở lên cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và tất cả đều đã hy sinh. Mẹ Phan Thị Đạo (xã Đạo Trực) đã động viên 7 người con lên đường đánh giặc cứu nước.
Đến 2-9-1998 đã có 117 bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Điểm qua những nét cơ bản về đất và con người Trực Ninh, chúng ta thấy có được vùng quê hiện hữu giàu đẹp no ấm như ngày nay là kết quả, là mồ hôi, máu xương của bao thế hệ cha ông người Trực Ninh đã bền bỉ đấu tranh quyêt liệt với thiên nhiên; với kẻ thù để trụ vững trên miền quê đất mới. Quá trình lao động, chiến đấu ấy đã hình thành cốt cách chung và trở thành truyền thống của người Trực Ninh là cần cù, thông minh, dũng cảm; một nền văn hoá địa phương với những nét đặc sắc của văn hoá đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Với truyền thống ấy, Trực Ninh góp phần tô đậm thêm trang sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét