Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÌNH TỈNH NAM ĐỊNH

Tỉnh Nam Định nằm tại phần tiến nhanh ra biển của châu thổ sông Hồng, nhất là từ sau khi sông Hồng phân ra các chi lưu như sông Trà Lý, sông Nam Định và sông Ninh Cơ. Nhìn trên bản đồ, rõ ràng là khu vực tiến nhanh nhất đi từ cửa Trà Lý đến cửa Hà Lạn, tập trung tại hai bên tả hữu ngạn cửa Ba Lạt. Khu vực tiến nhanh thứ hai là ở cửa Đáy, mà nước cũng như phù sa chủ yếu vẫn từ sông Hồng đổ vào sông Đáy qua sông Nam Định. Khu vực Giao Thuỷ hàng năm được bồi khoảng 90 ha và khu vực Nghĩa Hưng khoảng 32 ha. Như vậy, toàn tỉnh Nam Định được tăng khoảng 120 ha/năm.

Đường bờ biển Nam Định qua các thời kỳ

Giữa hai khu vực ấy là đoạn bờ biển bị xói lở đi từ cửa Hà Lạn đến cửa Lạch Giang. Tốc độ mài mòn có thể đạt 15 m/năm ở bờ biển Văn Lý (mất khoảng 12 ha/năm) và 5- 5 m/năm ở cửa Lạch Giang.
Do sự phát triển như vậy mà trên địa phận Nam Định có rất nhiều di tích bờ biển cổ, như các đầm lầy biển cổ ở hữu ngạn sông Nam Định và các cồn cát cổ ở tả ngạn sông Nam Định, nơi có đường bờ biển thế kỷ X. Từ đường bờ biển thế kỷ XIX trở ra, ta cũng gặp khá nhiều các dạng địa hình cồn cát, giúp ích rất lớn cho việc quai đê lấn biển trong thế kỷ thứ XX (các đường bờ biển năm 1926, năm 1930, năm 1940, năm 1965 và các năm 1980- 1990 cũng như 1995-1998). Như thế nhân dân ta cũng đã biết lợi dụng đặc điểm phát triển của châu thổ để cải tạo nhanh các bãi sa bồi ven biển thành ruộng lúa và xây dựng các đồng muối tại nơi bờ biển không tiến được- do không có nguồn phù sa phong phú từ một chi lưu quan trọng nào đổ ra, khiến cho năng lượng sóng dư thừa đã làm xói lở đường bờ biển cát. Ngoài ra, cũng chính với lượng phù sa lớn mà tại nhiều nơi sông Hồng đã phủ lớp trầm tích aluvi sông (a) lên trên các trầm tích sông - biển (a -m) và biển (m), khiến ta có cảm giác đi trên một đồng bằng phù sa sông hơn là trên một châu thổ hiện đại, như tại vùng phía sau đường bờ biển thế kỷ XV. Cho nên việc phân tích các kiểu địa hình theo hai vùng địa hình lớn (các vùng nằm phía sau và phía trước đường bờ biển thế kỷ XV), chi phối mạnh mẽ sự hình thành thổ nhưỡng và cảnh quan hiện tại là hợp lý và cần thiết.
Địa hình đồi sót là các đỉnh của nền móng cổ đá biến chất thuộc hệ tầng Thái Ninh nhô lên trên lớp phù sa. Đó là: Núi Mai Độ với độ cao 52,2m, thuộc xã Yên Tân huyện Ý Yên. Dãy đồi thuộc xã Yên Lợi huyện Ý Yên, chạy theo hướng bắc nam, gồm 3 quả đồi. Phía bắc là đồi núi Nê, độ cao 53,4m, ở giữa là một quả đồi nhỏ cao 21m, tiếp theo về phía nam là một đồi lớn với các đỉnh 57,3m, 56,0m và 92,0m (đỉnh Phương Nhì là đỉnh cao nhất trên địa bàn tỉnh Nam Định). Dãy đồi chạy dọc theo phía đông sông Ngăm, chia làm 3 phần: cao nhất là núi Ngăm (71m) nằm ở phía bắc, tiếp theo là một dải đồi liên tiếp nhau với các đỉnh (44,5m, 42,5m, 34,4m, 21,0m, 25,1m, 48,1m), rồi đến núi Lê Xá cao 65,2m. Có 2 đồi nằm ở phía nam đường sắt là Núi Gôi (77,3m) và Núi Hổ (45,5m).
Vì đã mất lớp phủ rừng nguyên sinh phù hợp với khí hậu nội chí tuyến gió mùa ẩm, mà địa hình đồi bị xói mòn bề mặt và xói mòn khe rãnh nghiêm trọng, do lượng nước mưa lớn tập trung vào mùa hè đã chảy trên mặt và tại các khe xói, khiến cho tại nhiều nơi lớp thổ nhưỡng vụn bở phì nhiêu đã bị bóc đi mất, chỉ còn trơ sỏi, sạn, đá gốc. Việc mất lớp phủ rừng đã tăng cường các động lực phá hoại địa hình, vì thế địa hình không được ổn định nên cản trở sự phát triển thổ nhưỡng. Do đó cần phải bằng mọi cách trồng lại rừng tại các quả đồi này để bảo vệ và phục hồi lại cảnh quan tốt đẹp xưa kia.
Theo Báo Nam Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét