NGUYỄN VĂN CHI TỘC

Nguyễn Văn Chi Tộc là một cành nhánh thuộc đời thứ 11 trong dòng họ đại tôn Nguyễn Cả Hương Cát, được tính bắt đầu từ cụ Cao Cao Tổ là cụ Nguyễn Văn Thựu đời thứ 11 còn đang được thờ cúng tại gia đình con trai trưởng. Cụ Cao Cao Tổ Nguyễn Văn Thựu thuộc ngành thứ nhất ( Nghành cả) của dòng họ Nguyễn Cả Hương Cát đến nay đã có được 19 đời ở thôn Hương Cát, Thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Con cháu của cụ Cao Cao Tổ Nguyễn Văn Thựu hiện nay có 6 đời và đang sinh sống ở quê nhà Nam Định, ở Yên Bái, Lai Châu, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình.
Năm 1974, chắt (Tằng tôn) nội đích tôn Nguyễn Văn Quăng cùng gia đình đi khai hoang lập nghiệp ở vùng đất mới là thôn Ngọn Đồng, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Chắt nội đích tôn có 4 người con trai và 2 người con gái đều lập nghiệp tại xã Hưng Khánh.
Chắt nội Nguyễn Văn Vãn là con trai thứ hai sinh sống ở tại quê nhà là Hương Cát - Thị trấn Cát Thành - Huyện Trực Ninh - tỉnh Nam Định. Sinh ra 2 người con trai, con trai cả sống tại quê nhà, con trai thứ hai sống tại Hà Nội. Có 3 chít trai và 01 chít gái (Lai tôn) hiện nay sống ở Hà Nội.

Họ Nguyễn Cả Hương Cát là một trong 3 dòng họ Nguyễn sinh sống tại thôn Hương Cát là: Nguyễn Cả, Nguyễn Hai và Nguyễn Ba. Trong Tộc phả tiền nhân cả ba họ Nguyễn đều không ghi tại sao như vậy. Ba dòng họ Nguyễn cùng với các dòng họ Lưu, Phạm, Đoàn, Lê, Đặng, Bùi... đến vùng đất này khai hoang lập nghiệp, cùng nhau xây dựng thành làng Hương Cát ngày nay.

     Nhà thờ của ba dòng họ Nguyễn đều ở trung tâm làng Hương Cát. Làng Hương Cát trước đây là một quần thể các nơi thờ tự tín ngưỡng như Chùa Phổ Quang, Đình làng Hương Cát, Đền Đông thờ hai tướng Dịch Chiết và Cung Cai, hai tướng quân đã giúp Bà Trưng đánh quân của Thái Thú Tô Định, đền Tây thờ đức thánh Trần. Sau năm 1975, cuộc cách mạng xóa bỏ hình ảnh xã hội cũ diễn ra tại vùng làng quê xã Trực Thành, các ngôi Đền Đông và Đền Tây cùng hàng loạt các Miếu thờ Thần đã bị phá huỷ san phẳng thành cánh đồng. Ngôi Chùa Phổ Quang nơi thờ Phật trong xã cũng bị phá dở dang. Đến năm 1978 nhà nước sáp nhập hai xã Trực Thành và Trực Cát thành xã Cát Thành, rồi đến năm 2006 nhà nước chuyển đổi lên Thị trấn Cát Thành.
           Nhà thờ họ Nguyễn Cả Hương Cát tiền nhân xây dựng hướng Nam, từ khi nào ngày nay không rõ, đến vào khoảng đời thứ 11 Từ đường được xây dựng lại quay sáng hướng Tây, đến năm 1918 Từ đường được xoay lại theo hướng cũ là hướng Nam. Năm 1983 con cháu sửa chữa lại hậu cung. Năm 1987 xây dựng lại cả Hậu Cung và Tiền đường theo kiến trúc cũ. Năm 2006 xây dựng lại cổng họ theo kiến trúc cũ.
                                              Tiền đường
                                             Cổng họ