Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

CON NGƯỜI - THEO QUAN NIỆM CỦA ĐÔNG Y


Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thường nghe thấy các câu " Hồn siêu phách lạc", " Bạt vía kinh hồn", " Ba hồn bảy vía (chín vía)", " Thần hồn nát thần tính", " Át vía", " ...như mất hồn".... Vậy, hồn, phách, vía theo quan niệm của khoa học Đông Y như sau:
Ở mỗi con người chúng ta ai cũng có hai phần cấu trúc hữu hình và vô hình.
Phần cấu trúc hữu hình là cơ thể vật chất tạo ra hình hài cơ thể nam nữ với đầy đủ các cơ quan tạng phủ do các tế bào hòa hợp lại.
Phần cấu trúc vô hình là cấu trúc tâm linh, trong đó có một phần là tâm tánh khí tạo ra nét đặc thù của cá tính mỗi người do gène (DNA) mà khoa học đã chứng minh được, còn phần quan trọng nhất là thứ lớp của cấu trúc tâm linh hiện diện vô hình trong cơ thể, chúng ta cảm nhận được mà khoa học chưa chứng minh được.
Chúng ta hãy xét nghiệm các trường hợp sau đây để có thể hình dung ra được các thứ lớp của cấu trúc theo quan niệm đông y. Đó là chìa khóa tìm hiểu sự khí hóa của tạng phủ trong việc chữa bệnh :
1-Thể Xác : Khi cơ thể không còn sự sống, mất sự hiện diện của các thể tâm linh, thân xác nằm bất động không còn thở, chúng ta gọi là xác chết, đó là phần cấu trúc vật chất.
2-Thể Phách : Khi con người hôn mê bất tỉnh, thân bất động, chỉ còn hơi thở để duy trì sự sống ( trong trường hợp hôn mê sâu), Đông Y gọi là còn thể phách. Đông Y nói “ Phế tàng phách” là phần tâm linh vô hình cư trú ở phổi chỉ huy chức năng hoạt động của phổi, giúp phổi thở để duy trì sinh mạng thông qua sự tuần hoàn của khí.
3-Thể Vía : Thể vía chỉ huy mọi cử động cơ học, là phần tâm linh vô hình cư trú ở tiểu não sau gáy, khi bị va chạm tổn thương, hay say rượu, trúng độc hôn mê, đứt mạch máu não làm tê liệt, cử động sẽ bị giới hạn mất kiểm soát như ý muốn.
4-Thể Hồn : Thể hồn chỉ huy mạng lưới gân cơ, thần kinh, làm co rút hoặc thư giãn khiến cho cơ thể biết đau hoặc không đau. Đông y nói “Gan tàng hồn” là phần tâm linh vô hình cư trú ở gan, có nhiệm vụ giúp gan hoạt động theo chức năng của nó. Khi mất cảm giác, vô tri, là thể hồn đã rời thể xác. Còn đau đớn qúa sức chịu đựng làm thể hồn bị tổn thương kêu la thảm thiết như trường hợp ung thư hành hạ đau đớn, mà thực thể gan không bị tổn thương, thể hồn bị tổn thương sinh ra ác mộng.
5-Thể Thần : Thể thần chỉ huy tình cảm, hệ thống tim mạch, hệ thống tuần hoàn huyết làm cho da thịt hồng hào, mặt tươi tỉnh hoặc mặt mày mất sắc, mất thần như ngây dại, hoảng hốt. Đông y nói “ Tâm tàng thần” là phần tâm linh vô hình cư trú tại tâm giúp cho tâm hoạt động theo chức năng của nó về hệ tuần hoàn tim mạch và thần kinh… Khi bị tổn thương thì tim mạch nhảy loạn, thần sắc thay đổi, dễ xúc động, qúa khích động như điên khùng hoặc qúa bi quan, nói năng cười khóc bất thường.
6-Thể Ý : Thể ý chỉ huy sự diễn đạt của tư tưởng, tập trung hoặc mất tập trung, biết phân biệt tốt xấu, ưa thích hay không ưa thích, tính qủa quyết hay do dự… qua sự tiết hormone như truyền một tín hiệu có ảnh hưởng đến các cơ quan, phối hợp sự nói năng và cử chỉ phù họp với ý muốn. Đông y nói “ Tỳ tang ý ” là phần tâm linh vô hình cư trú tại lá lách. Khi thể ý bị tổn thương sẽ mất đi sự quyết đoán, không ham muốn, không thích cử động nói năng và ăn uống nữa mặc dù thực thể của lá lách không bị tổn thương.
7-Thể Chí : Thể chí chỉ huy sự hoạt động của bộ não, ẩn tàng sức mạnh ý chí, lý tưởng của thể xác và tinh thần, bao gồm phần tiên thiên và hậu thiên, phần tiên thiên là những dữ liệu tích lũy từ những kiếp trước đem vào bộ nhớ của não khi sinh ra, và những gène ( chủng tử) của cha mẹ, phần hậu thiên do sự nuôi dưỡng về vật chất và tinh thần và sự học hỏi kinh nghiệm thu thập được trong gia đình, nhà trường và xã hội. Đông y nói “Thận tàng chí” là phần tâm linh vô hình cư trú ở thận, về tinh thần, nó làm cho con người phát triển hay không phát triển phần hạ trí như thông minh hay đần độn, nhớ dai hay mau quên, có ý chí sáng tạo hay ỉ lại…, về thể xác, nó điều hòa chức năng thận biến hóa các chất bổ dưỡng chuyển thành khí huyết, sinh tinh tủy, nuôi xương, bổ não, duy trì và phát triển, sản xuất tế bào mới thay thế tế bào cũ. Thể chí mạnh, duy trì được sự minh mẫn, trẻ trung, kéo dài tuổi thọ. Khi thận không bị tổn thương thực thể mà bị bệnh mất trí nhớ, mất ký ức phải nghĩ ngay đến phần hạ trí bị tổn thương do thể chí.
8-Thể Trí: Thể trí gồm hai phần, phần hạ trí và thượng trí. Thể trí cư trú ở não làm cho não phát triển.
a-Thể Hạ Trí : Do con người khi phát triển đã học hỏi, tích lũy đươc những kinh nghiệm và khi sử dụng những kiến thức ấy thì cũng mới chỉ chiếm tối đa 7-8% tế bào não trong mọi sinh hoạt thường ngày.
b-Thể Thượng Trí : Các thần đồng, các nhà bác học, các bậc thiền sư, kỳ nhân.. đã sử dụng được các phần tế bào não vượt ngoài giới hạn 8% so với những người khác. Những kiến thức hiểu biết này đặc biệt không ai có, nó khác lạ mới mẻ, chúng ta gọi nó là thể thượng trí. Trong bộ óc chúng ta, hơn 90% tế bào não còn lại là những băng đĩa còn bỏ trống chưa chứa dữ kiện nào, nó dành sẵn cho con người ghi thêm những kết qủa, những kinh nghiệm đã tìm tòi phát minh được ở đời này, hoặc để ghi nhận được những điều mới lạ học hỏi được ở các cõi Thiền định hoặc trong những giấc mơ có ý thức khi ao ước tìm tòi phát minh một điều gì. Phần còn lại là những băng đĩa đã ghi đầy những kinh nghiệm trong qúa khứ nhiều đời tích lũy được, nhưng những dữ kiện ấy đem vào thân xác đời này bị vô minh che lấp nên không có khả năng khai mở được hết mà chỉ sử dụng được một phần nào, chúng ta gọi là bẩm sinh để trở thành các kỳ nhân, thần đồng, các nhà khoa học, mỹ thuật, nghệ thuật. Còn thông thường khi chúng ta có một vấn đề khó giải quyết, qua một đêm yên tĩnh nghỉ ngơi, tự nhiên sáng dạy đã tìm được cách giải quyết, người đời gọi là thông minh.
Thể thượng trí được khai mở qua phương pháp tập Thiền, tập khai mở luân xa như yoga, hoặc do sau tai nạn bị chấn thương sọ não.. Khi sử dụng được thể thượng trí, nó dẫn ta vào không gian 4 chiều như thân xác ở một chỗ, mà thể hồn đi vào không gian khác, không gian qúa khứ để thấy biết những hoạt động của tiền kiếp, hay không gian tương lai ở những cảnh giới khác để học hỏi, tìm tòi, sau này trở thành một nhà phát minh như các nhà khoa học, hoặc trở thành nhà tiên tri.., còn đối với những người thỉnh thoảng mới xuất hiện thể thượng trí, khi có khi không, người ta gọi là linh tính, giác quan thứ sáu…
Bẩy thể tâm linh vô hình cư trú trong cơ thể vật chất, có liên quan hai chiều nhờ vào thể thần, thông qua hệ thần kinh và các màng lưới thần kinh. Tất cả đều điều khiển chức năng hoạt động của tạng phủ, vừa nuôi dưỡng bảo vệ tạng phủ theo một quy luật tuần hoàn chung gọi là sự khí hóa ngũ hành.
 Theo Đỗ Đức Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét