Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

DÒNG HỌ - BẢN SẮC VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI VIỆT

Dòng họ tức là gia đình theo nghĩa rộng, tổ chức vững chắc, liên kết chặt chẽ bằng huyết thống, bằng những quyền lợi vật chất, bằng những niềm tin tôn giáo, bằng các mối dây luân lý của cộng đồng. Trong môi trường của những mối quan hệ dòng họ, dần hình thành và xác định bản sắc văn hóa độc đáo: văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội hay còn gọi là văn hóa tổ chức cộng đồng.
Dòng họ cũng thể hiện ý niệm về mối quan hệ giữa người đang sống và người đã chết. Nhận thức rằng tuy người đã chết nhưng vẫn sống ở một thế giới khác và tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của con người. Nhận thức luận về một sự sống mới đang tiếp diễn ở thế giới mới và niềm tin vào sức mạnh siêu linh của những người đã chết có thể tác động tới những người đang sống.
Trải qua quá trình hình thành, phát triển lâu dài, dòng họ đã tạo dựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần độc đáo. Trong cuộc sống thường ngày, mối quan hệ họ hàng luôn được đề cao: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Sống với các mối quan hệ họ hàng, con người luôn đề cao ý thức đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, cưu mang, đùm bọc, che chở nội tộc: “ Xẩy cha còn chú, xẩy mẹ bú dì”; “Nó lú nhưng chú nó khôn”, …
Như vậy, chính truyền thống dòng họ mang đậm chất nhân văn, với ý thức sâu sắc về nguồn cội đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần vô giá. Nó làm thức dậy lòng kiêu hãnh tự hào, đốt cháy niềm phấn khích đam mê, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để cháu con bứt phá vươn lên trở thành kẻ tài đức song toàn, nối nghiệp tổ tông, sáng danh dòng tộc.
Văn hóa tổ chức cộng đồng của dòng họ có nhiều biểu hiện. Song hai biểu hiện tiêu biểu nhất là dòng họ người Việt được tổ chức theo nguyên tắc phụ quyền và vận hành với phương thức tự trị. Theo nguyên tắc phụ quyền, người đàn ông tuyệt đối được đề cao trên các phương diện kinh tế, tín ngưỡng, tổ chức dòng tộc.
Về kinh tế, dòng họ người Việt thực thi chế độ kế thừa bất động sản theo nguyên tắc phụ quyền. Theo nguyên tắc phụ quyền, chỉ có nam nhân giữ vai trò trưởng tộc mới được hưởng đặc ân kế thừa bất động sản gồm từ đường, ruộng vườn của dòng tộc. Nguyên tắc phụ quyền này còn chi phối đến việc trao truyền gia sản của từng gia đình thành viên trong dòng tộc. Khi cha mẹ qua đời, tài sản thường chia cho các con chủ yếu là con trai. Người con trưởng đảm nhiệm việc tế tự Tổ Tiên nên được hưởng phần hương hỏa nhiều hơn. Chính việc kế thừa tài sản theo nguyên tắc phụ quyền đã giúp dòng họ truyền giữ của cải liên tục trong nhiều đời ở phạm vi nội tộc. Nhờ số của cải vật chất này mà dòng họ có điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển và duy trì các nghi thức trong việc thực hiện tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên. Nguyên tắc phụ quyền của dòng họ người Việt còn thể hiện rõ trên phương diện tín ngưỡng. Thủy tổ của dòng tộc được con cháu đời đời khói hương thờ phụng phải là nam nhân. Việc chỉ ghi nhận Tổ Tiên về phía người đàn ông đã khiến dòng họ của người Việt về thực chất là một tổng gộp nhiều gia đình nhỏ liên kết chặt chẽ với nhau bởi mối quan hệ huyết thống được xác định về phía người cha. Nguyên tắc phụ quyền trên phương diện tín ngưỡng còn được thể hiện trong quy định về người được phép tế tự Tổ Tiên. Đối với dòng họ người Việt, người đàn ông cụ thể là tộc trưởng mới được ban phát đặc ân tế tự Thủy Tổ. Dựa trên nguyên tắc phụ quyền, người Việt đã tổ chức dòng họ thành hai bộ phận: Họ nội và họ ngoại. Họ ngoại được xác định theo huyết thống của người mẹ cùng hệ thống thân tộc già, dì, cậu, mợ…Họ nội được xác định theo huyết thống người cha với hệ thống thân tộc chú, bác, cô…Tuy cấu thành bởi hai bộ phận họ nội và họ ngoại nhưng người Việt coi trọng họ nội mà xem nhẹ họ ngoại. Người con gái một khi đã “xuất giá tòng phu” thì coi như người ngoài họ vì theo quan niệm dân gian “Nữ nhân ngoại tộc”. Tổ chức nội tộc của dòng họ người Việt được xác định trên cơ sở xác định một ông Tổ chung về phía người cha. Hệ thống dòng tộc này bao gồm: Thuỷ tổ ( nhất tổ) Tiên Tổ, Cao Tổ (kỵ), Tằng Tổ (cụ), Tổ khảo (ông), Hiển khảo (cha), ngã (tôi), tử (con), tôn (cháu), tằng tôn (chắt), huyền tôn (chút)…Chính tính chất phụ quyền trong việc đề cao dòng dõi tôn thống của người Cha khiến dòng họ của người Việt về cơ bản nghiêng hẳn về họ nội. Dòng họ là tập hợp toàn thể con cháu bên nội của cùng một ông Tổ sinh ra các con cháu hậu duệ.
Về mặt tổ chức dòng họ thường gồm có Tộc Trưởng và hội đồng dòng tộc. Tộc trưởng là biểu tượng thống nhất và đoàn kết của dòng tộc và cùng đứng đầu dòng tộc. Hội đồng dòng tộc bao gồm trưởng chi, trưởng phái, trưởng ngành, trưởng nhánh, trưởng cành…Các vị trưởng này phải là nam nhân và là con trưởng của phân cấp mà mình đảm trách, hội đồng dòng tộc bầu ra Chủ tịch hội đồng dòng tộc, Chủ tịch dòng tộc sẽ chọn cho mình 1-2 trợ lý. Nhờ hệ thống trưởng thứ theo nguyên tắc phụ quyền mà từng người trong dòng tộc được phân vai vế rõ ràng, xác định được các mối quan hệ họ hàng và vị trí của mình trong nội tộc: “Bé bằng củ khoai. Cứ vai mà gọi”; “Xanh đầu con ông bác. Bạc đầu con ông chú”. Sự phân vai này khiến dòng họ người Việt tuy là một tổ chức của nhóm người cùng huyết thống với nhiều độ tuổi khác nhau nhưng là một tổ chức chặt chẽ, có tôn ty với hệ thống ngôi vị trưởng thứ, vai vế được phân cấp rất rõ ràng. Không ai phủ nhận rằng nguyên tắc phụ quyền – nguyên tắc quan trọng nhất để thiết lập tổ chức dòng họ người Việt.
Về tín ngưỡng, tuy người đàn ông mới danh chính ngôn thuận được phép tế tự Tổ Tiên song ngày nay người phụ nữ cũng được tham gia vào việc tế cúng Tổ Tiên.  
Để quản lý dòng tộc, các dòng họ thường tự xây dựng một bộ máy tổ chức riêng. Bộ máy tổ chức này được gọi là Hội đồng dòng tộc. Nhân sự của Hội đồng gia tộc thường bao gồm các vị trưởng tộc, trưởng chi, trưởng ngành… Hiện nay, nhiều dòng tộc còn đề nghị những cá nhân tuy không giữ vị trí trưởng nhưng có tri thức, kỹ năng quản lý hoặc những cá nhân đang nắm giữ những cương vị trọng yếu trong các cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước, những doanh nhân thành đạt…cùng tham gia Hội đồng dòng tộc. Hội đồng dòng tộc có nhiệm vụ tự quản lý tông tộc mình trên các phương diện: Tự giải quyết mâu thuẫn để giữ gìn an ninh hòa mục trong nội tộc; đề xuất phương thức xây dựng và phát triển dòng tộc; tổ chức các sinh hoạt phong tục: Quan, hôn, tang, tế…của các gia đình thành viên; định hướng và giáo dục nhân cách con cháu hướng tới các giá trị nhân văn “ Chân - Thiện - Mỹ”. Chân- Thiện- Mỹ về mặt con người là hoàn thành trách nhiệm nghĩa vụ với chính mình, với gia đình, bạn bè, tình yêu, đồng nghiệp, bà con lối xóm và quan hệ xã hội một cách tốt đẹp.
Vậy Hội đồng gia tộc căn cứ vào đâu để quản lý dòng tộc, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên? Các dòng họ thường có tộc ước. Tộc ước là những văn bản truyền miệng hoặc thành văn thường được soạn thảo bởi Hội đồng gia tộc trong đó có nhiều điều khoản quy định rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên trong nội tộc. Bản tộc ước này được các thành viên của dòng tộc thông qua và nhất trí tự nguyện thi hành. Tự hình thành một bộ máy tổ chức, tự xây dựng một hệ thống “tộc quy” riêng để quản lý dòng họ - đó chính là biểu hiện rất rõ của sự vận hành theo phương thức tự quản của dòng họ.
Với phương thức tự quản, dòng họ đã tự giải quyết mâu thuẫn nội tộc theo phương châm “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã”. Cách hóa giải mâu thuẫn độc đáo này khiến dòng họ vừa khơi dậy dược tinh thần đoàn kết nội tộc, duy trì bền vững lối ứng xử tình nghĩa giữa con người với con người.

Những truyền thống tốt đẹp của gia đình và dòng họ là sự kết tinh những giá trị đạo đức, trí tuệ, những phẩm chất tâm hồn, những thành quả làm nên cái thần trí, hồn tính của dòng tộc mà ở đó bản sắc của nó lúc nào cũng là một bảo vật vô giá, thiêng liêng không thể thay thế được, hướng tới giá trị nhân văn “ Chân - Thiện - Mỹ” là trụ cột tinh thần trong đời sống con người và xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét