Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

THỜ, CÚNG, LỄ BÁI

Người phương Đông coi trọng ngày mất của tiền nhân và sùng kính các đấng Thần linh vì họ tin rằng linh hồn còn tồn tại nên chú tâm việc thờ cúng, tế lễ. Song hiểu cặn kẽ về việc này xem ra đâu phải dễ!
Khái luận:
Cho đến nay, chưa có tư liệu nào chỉ rõ việc Thờ, Cúng, Lễ, Bái được bắt đầu từ bao giờ, khởi nguồn từ đâu? Tôi mạo muội suy đoán rằng: Nơi nào có con người sinh sống và được tổ chức thành xã hội thì từ những hoạt động cộng đồng vui mừng tự phát ban đầu dần hình thành những nghi thức, trong đó vấn đề này. Như vậy, có thể nói nó hiện hữu cùng với sự có mặt của con người ngay từ thuở sơ khai và đồng hành chưa biết tới bao giờ!
Tế lễ thờ phụng được hình thành, bổ sung, hoàn thiện, lưu truyền trong lòng dân nên đương nhiên có dị biệt từng vùng miền, dòng họ. Song giống nhau ở mục đích, tác dụng, nơi tiến hành. Với người Việt, đã trở thành “Lễ nghi phong hóa” tức là cách thức bày ra trong sự cúng tế cho được trật tự, trang nghiêm, kính cẩn đã thành phong tục tạp quán của cả dân tộc. Đó là vấn đề Tâm linh, là điều thiêng liêng thấm vào máu thịt mỗi người.
Trong xã hội Việt từ cổ đại đã tồn tại mối quan hệ sâu sắc xây dựng trên cơ sở huyết thống - Dòng họ. Do vậy, việc thờ cúng, lễ bái đã được chắt lọc từ ngàn đời, được hấp thụ tinh hoa từ các tôn giáo và lân bang trở thành một trong những Gia Bảo tinh thần đáng quý của Tổ Tiên để lại mà lớp hậu sinh cần coi trọng, tất nhiên có cải tiến cho phù hợp với thời đại.
Ngoài thờ Tổ tiên những người theo Phật giáo hay không theo tôn giáo nào ở nước ta còn thờ Thần linh (các Đấng thiêng liêng trong thế giới vô hình); thờ Phật ; thờ  Thổ công - Thổ địa - Thổ kỳ (ba vị Thần coi việc nhà cửa trong mỗi gia đình, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nói nôm na là Ba vị Táo).
Nhưng người hiểu rõ ý nghĩa và giá trị vấn đề thì ít, người hiểu thiếu đầy đủ, lệch lạc, có thể coi thường nhưng cũng có khi thái quá lại lắm. Với những người xa quê lâu ngày, ông, bà, cha, mẹ mất sớm, trước vốn khó khăn nay mới đủ ăn… thì càng lơ mơ về ý nghĩa, giá trị và cách thức của các “Lễ nghi phong hóa” thiêng liêng này. Khi “Phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng ít người thấu tỏ, chỉ bảo chân tình lại “loạn thầy, bà”, lắm người “bỗng dưng được Cô cho lộc”…lại thêm sách báo không thiếu điều nhảm nhí, sao chép sai lạc đầy rẫy và theo trào lưu chung “thương mại hoá” hiện nay thì vấn đề Thờ, Cúng, Lễ, Bái dễ tạp nham, không tạo được niềm tin vững chắc cho thế hệ con trẻ.
Bên cạnh đó, trong thời “kinh tế mở” đã xuất hiện ngày càng lắm người lợi dụng niềm tin và sự hiểu biết thiếu căn bản nhưng lại hay bắt chước của đa số dân chúng nên đã lái nhiều vấn đề “Tâm linh” thành “tín ngưỡng mù quáng” để trục lợi. Thực tế đã có những nghi thức vô nghĩa, những đồ lễ ngoại lai…khiến cho việc Thờ, Cúng, Lễ, Bái trở nên bí hiểm, lắm thủ tục nhiêu khê, tốn kém. Điều này vừa thiệt cho Tín chủ vừa ảnh hưởng đến xung quanh, đến xã hội!.
Ngược lại có một vài “Trí thức nửa vời”, các ông “quan” nông cạn, học hành chắp vá lợi dụng việc này kiếm lời hay tỏ ra thành kiến, bôi bác và kết án…, quá tả khi thực hiện chủ trương “Bài phong đả thực”, coi một số “Thuần phong mĩ tục” thành “mê tín dị đoan”. Vì thế có nơi, có lúc có người không dám thắp nhang, thờ cúng Tổ Tiên; Chùa chiền, nhà Thờ, Ðình, Miếu, Từ Ðường, bàn thờ trong tư gia bị dẹp bỏ…Từ đường dòng họ tôi được chia cho dân, Chùa, Đình làng phá bỏ trong hoàn cảnh đó. Bởi thế việc Thờ, Cúng, Lễ, Bái vốn thiêng liêng, giầu giá trị nhân văn bị hiểu lệch và làm sai trong thời gian dài.
Do vậy, muốn phục hồi, phát huy giá trị tốt đẹp vốn có của nó, từng người, mỗi gia đình, dòng họ… cần có những hiểu biết nhất định sẽ vừa tránh mất tiền, vừa tránh vô tình làm giảm giá trị truyền thống lại giúp ích được nhiều cho bản thân, gia đình trong cuộc sống, công việc.

1. Bản chất:

Khổng Tử (551 – 479 tcn). “Hiếu là nối chí cha ông” khi bàn về lòng hiếu thảo sáng suốt của Võ Vương và Chu Công, cũng như phương pháp hữu hiệu mà các ngài đã dùng để cải hóa bàn dân đã nói: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí dã”. Nghĩa là: Thờ phụng lúc chết như thờ phụng lúc sống, thờ phụng khi mất như thờ phụng khi còn, mới là chí hiếu vậy ! Mà đã “Thờ” thì phải “Cúng”, phải có “Lễ, Bái”. Đây là “Đạo hiếu”, là vấn đề trọng đại của mỗi người, gia đình, gia tộc, tôn giáo!
Tín ngưỡng, phong tục thờ cúng Tổ Tiên là  thờ cúng những người đã chết, đặc biệt là ông, bà, cha, mẹ của nhiều dân tộc Đông Nam Á và đặc biệt phát triển trong văn hóa Việt. Hơn nữa, dân gian tin rằng “Hữu căn hữu kiếp”, có gốc rễ có kiếp sống, tức là có kiếp sống hiện tại là do gốc rễ của các kiếp sống trước tạo nên. Do vậy khi thành danh, có của ăn của để càng nhớ và cần báo ân tiền nhân.
Ngoài Tổ tiên, người Việt còn tin rằng các đấng siêu linh là Thần, Thánh, Phật, Trời cũng luôn ngự trị, theo sát độ trì cho mình trong mỗi công việc! Do vậy để tưởng nhớ Công Đức tiền nhân và đấng bề trên mà mình đã dâng trọn niềm tin cũng như kêu cầu khi cần sự trợ giúp của các “Đấng cao xanh” mà họ duy trì, quan tâm đến việc THỜ CÚNG LỄ BÁI. Đó là vấn đề Tâm linh,  niềm tin rằng người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau, là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm, cõi thực và cõi hư, cõi hữu hình và cõi vô hình.
Hơn nữa ngay cả các nước công nghiệp phát triển nay ở đâu mà không còn Tôn giáo, Đức tin ? ở đâu cũng có đền, đài, tượng…; năm nào mà có những ngày Lễ Kỷ niệm (Quốc khánh, Danh nhân, Sự kiện…). Mà trong các dịp đó thế nào chẳng có chào cờ, diễn văn, đón nhận phần thưởng; sự kiện lớn còn có cả diễu hành, duyệt binh trọng thể và sau phần “Lễ” là phần “Hội”. Thực chất đó cũng là hoạt động “THỜ CÚNG LỄ BÁI” song đã được “Văn minh” hoá, “Quốc gia hoá” và do chính quyển chỉ đạo tiến hành còn việc Thờ, Cúng, Lễ, Bái tại gia, tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là do người dân tự giác duy trì theo tập tục truyền từ bao đời! Không lý gì lại không coi trọng điều thiêng liêng đầy tính nhân văn đó!

2. Mục đích:

Việc Thờ phụng, lễ bái được chăm lo bởi ai cũng tin rằng việc đó mang lại lợi lạc cho đời sống của mỗi người, mỗi gia đình, gia tộc, dòng họ, dòng tộc, tôn giáo, làng xã, quốc gia. Suy cho cùng, đó là sự trở về cội nguồn, để tỏ lòng tri ân, để tu tâm, tích đức và giãi bày khi gặp trắc trở của mỗi người.
Thờ nghĩa là thể hiện, tỏ bày sự tôn kính của mình với tiền nhân và với Phật, Chúa, Thánh, Thần, thể hiện rõ đạo lý “Trung, Tín, Hiếu”. Ngược lại, con cháu mà không thờ Tổ Tiên là con cháu bất Hiếu; dân mà không thờ Tổ Quốc là kẻ bất Trung; tín đồ mà không thờ đức Giáo Chủ của mình là người bất Tín. Đừng có bảo đó là quan niệm thời phong kiến, ngay cả thời Internet @ này với con người như thế sẽ không có chỗ đứng trong nhân loại, trong trời đất.
Cúng là dâng lễ vật lên Phật, Thánh, Thần, Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ... - linh hồn người đã chết, theo tín ngưỡng hoặc theo phong tục cổ truyền. Gọi đủ là “Cúng dường”, đó là danh từ của Phật Giáo, được chuyển ngữ từ hai chữ “Cung dưỡng” của tiếng Hoa.
- Cung Dưỡng: nghĩa là cung ứng theo sự nhu cầu về vật chất của những kẻ thiếu thốn và nuôi dưỡng khi họ đói cơm rách áo...
- Cúng Dường: Nghĩa là dâng hiến những lễ vật lên các bậc tôn kính, mong cầu ơn trên chứng minh. Thế mà có người từng giảng cho tôi rằng “Cúng dường là nói trại từ cúng Giàng mà “Dàng” là từ cổ chỉ “Trời”.Thật là có trời mới biết đúng sai ra sao nữa?
Người Việt là một trong những dân tộc có phong tục thờ cúng Tổ Tiên sâu đậm và sớm, nó gần như trở thành một tín ngưỡng. Nhưng đó không phải là Tôn giáo vì không có giáo lý, không phụ thuộc vào quan điểm chính trị…“Đã nói tới tín ngưỡng dĩ nhiên có vấn đề tin và không tin”. Đối với Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ là sự hiển nhiên, không có nghi vấn tin hay không tin. Sự thờ cúng chính là sự gặp gỡ của thế giới hữu hình và vũ trụ linh thiêng. Đối với người Việt Nam, chết không có nghĩa là chết hẳn, thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn và vẫn còn đi về với gia đình. Thể xác thì tiêu tan, nhưng linh hồn thì bất diệt.
Giỗ là một buổi lễ, nghi thức theo phong tục tập quán của người Việt quan trọng nhất trong việc thờ cúng Tổ tiên, nhằm tưởng nhớ đến những người đã mất. Theo tục lệ, ngày giỗ là “chung thân chi tang” có nghĩa là ngày tang trong suốt cả đời người. Mỗi năm vào đúng vào ngày chết của một người là một lần giỗ (còn gọi là “kỵ nhật”, thường được tính theo âm lịch cho nên người xưa thường quan trọng ngày cúng giỗ Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ. Ý nghĩa của Giỗ là để nhắc nhở con cháu về nhưñg người đã đi trước; gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ, đôi khi trong cùng nghề. Trong đó Tổ nghề là một người có công lớn đối với một nghề nào đó hoặc giúp phát triển hoặc sáng tạo ra nghề đó được các thế hệ sau tôn trọng và suy tôn là làm người sáng lập.
Không chỉ ngày giỗ, việc khấn cúng Tổ Tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng Một (Sóc nhật), ngày Rằm (Vọng nhật), và các dịp Lễ, Tết. Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử, bệnh tật, ốm đau... hoặc gặp điều gì đó trắc trở, người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng Phật, Thánh, Thần, Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ để báo cáo và để cầu Phật, Thánh, Thần, Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ phù hộ, che chở, dẫn dắt hậu thế hay để tạ ơn khi công việc thành công.
Với Tổ Tiên và những đấng Tối cao vô hình thì sự sinh hoạt ăn uống chỉ bằng “hương hoa” không giống như sự ăn uống của người thường và con cháu cúng dường là đem hương vị của món đồ dâng lên thành kính tưởng niệm để tri ân và báo ân rồi lại “thụ lộc” chứ có mất đi đâu. Nên không cần mâm cao cỗ đầy, bày vẽ tốn kém, cốt là tấm lòng và cách bầy xếp, khấn cầu!

3. Tác dụng:

Việc thờ cúng lễ bái nhằm nhớ và báp ơn những đấng sinh thành, những người đã từng hy sinh, đã giáo hoá tạo nên chúng ta cũng như gây dựng nên dòng họ, Tông môn của mình hoặc tạo cho ta niềm tin trong cuộc sống.
Đồng thời việc làm đúng đắn nay giúp giáo dục con cháu hướng về cội nguồn, thiêng liêng hóa Tông Đường để tự hào, tiếp nối sự nghiệp hiển vinh dòng họ, môn phái, quê hương, quốc gia….
Việc thờ cúng lễ bái có thể nhận được sự “Phù hộ độ trì” của Tiên Tổ, các Đấng Thần, Thánh đối với những người hành lễ. Khi đó đối tượng được thờ cúng sẽ che chở, bảo vệ, chữa trị cho đối tượng hành lễ khi gặp khó khăn, nguy hiểm, mắc bệnh hay ngăn ta làm điều ác, khuyến khích làm việc Thiện!
Đây còn là kết quả của quá trình sử dụng năng lực Tâm linh thành kính, biến lễ vật hiến cúng thành dưỡng khí và chuyển dưỡng khí đó thành chất liệu dưỡng sinh để mang đến cho người mình cúng qua hệ thống Tâm linh, năng lực cầu nguyện trên đường giây Tâm Linh thì người mình cúng sẽ được ảnh hưởng ngay. Và khi đó người mình cúng sẽ có khả năng phù giúp mình hiệu quả hơn!
Nhưng muốn phát huy được tác dụng của THỜ CÚNG LỄ BÁI thì điều cốt nhất là phải có Tâm thành, có đức Tin, phải Chân thật, cần Đúng cách!

4. Địa điểm:

4.1. Nhà thờ:
Làng xã có Am, Miếu, Đình, Ðền, Chùa, Nhà Nguyện, Nhà Thờ, Toà Thánh…; gia đình, gia tộc có nhà thờ Họ…là những công trình kiến trúc dùng để thờ cúng và tiến hành việc lễ bái. Với Việt Nam, ta là nước có thể nói duy nhất, có địa điểm thờ Quốc Tổ chung cả nước - đó là quần thể khu vực Đền Hùng.
Từ đường (祠堂) là Nhà thờ Tổ Tiên của một dòng Họ. Với mỗi gia đình việc thờ cúng ông bà, bố mẹ thường thực hiện tại nhà trưởng nam hoặc người lập tự và thực hiện đúng kỉ niệm ngày mất. Nay do con cái thường ở xa nơi sinh thành và bận nhiều việc nên các năm thứ 5, 15, 25…gọi là giỗ chẵn, năm thứ 10, 20, 30...gọi là giỗ tròn sẽ làm lớn hơn, con cháu đông đủ; các năm khác con cháu ở xa có thể thực hiện nghi thức giỗ vọng hay có thể luân phiên từng nhà, từng khu vực để anh em rõ gia cảnh.
Nếu Chùa, Đền, Đình, Miếu, Phủ, Am thiên về tính Âm, là “vãng sinh đường” cho khách thập phương được đặt ở nơi u tịch, thâm nghiêm, cách chỗ quần cư thì Từ đường hay Gia đường lại mang tính Dương, nên dựng nơi gần con cháu.
4.2. Gian thờ:
Đối với người Việt, nó gần như trở thành một thứ tôn giáo: Không gia đình nào không có bàn thờ Gia Tiên trong nhà. Bàn thờ được đặt trong gian thờ.
Bản chất trường khí phòng thờ thuộc tính âm, hướng nội, không ưa sự phô trương. Ngay cả trong ngày giỗ hay tết thì thờ cúng cũng là việc riêng của gia đình đó, người ngoài muốn đến thắp nén nhang phải xin phép gia chủ. Về ngũ hành thì bàn thờ thuộc hành Hỏa và Mộc là hai hành hướng lên cao và cần sự chăm sóc mỗi ngày lại mang tính hướng nội, không cần phải đặt ngay trong phòng khách và theo phong thủy tốt nhất là đặt phòng thờ ở tầng áp mái. Hoặc đặt nơi trang trọng và cùng hướng hợp mệnh chủ.
Trong nhà ở dân gian truyền thống (1 tầng), bàn thờ cố định tại Trung Cung (khu vực trung tâm của nhà). Bước vào cửa chính có thể gặp bàn thờ và bộ bàn ghế tiếp khách hay chiếc sập ở gian giữa. Điều đó trở nên quen thuộc, hài hòa với cấu trúc không gian nhà ở truyền thống vốn có hàng hiên và sân vườn bao bọc.
Nhà ở hiện đại có diện tích và cấu trúc không gian khác xưa, điều kiện sống và quan niệm trong sinh hoạt nay cũng có nhiều thay đổi, cách bố trí bàn thờ Gia Tiên trở nên đa dạng và cũng có nhiều vấn đề hơn. Nhà phố hiện nay phổ biến cách đặt phòng thờ trên tầng thượng, vừa thoáng khí vừa có khoảng rộng sân thượng để tập trung nhiều người vào các dịp giỗ tết, giảm các va chạm trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng cũng có một số gia đình không muốn đưa bàn thờ lên tầng cao với lý do: khó khăn cho người lớn tuổi khi chăm lo hương khói, quét dọn bàn thờ, và đặt lên cao quá sẽ có cảm giác xa cách. Không gian thờ cúng mang tính Tâm linh luôn cần đặt yếu tố gần gũi và giáo dục truyền thống lên hàng đầu để kết nối các thế hệ và giữ vững gia phong nề nếp gia đình bên cạnh yếu tố hướng nội. Trường hợp quá khó khăn hoặc nhà trệt, căn hộ chung cư… thì có thể gắn bàn thờ liền với không gian phòng khách nhưng phải có giải pháp thoát khói và chống ố vàng trên trần (như dùng tủ thờ có nóc, dùng tấm kính ngăn phía trên, bàn thờ kề cận cửa thông gió…).
Như vậy tùy theo hoàn cảnh gia đình mà cách xếp phòng thờ, bàn thờ ở vị trí nào trong nhà cần linh hoạt phù hợp trên tinh thần trang nghiêm, ít bị ảnh hưởng bởi các sinh hoạt khác.

4.3. Bàn thờ

Như một lẽ bình thường, ai ra ở riêng cũng lập bàn thờ và khi chuyển đến nhà mới việc lo đầu tiên là chuyển Bếp, tiếp đến là bàn thờ sau mới tính tiếp chuyển thứ khác.
Về kiểu dáng, có loại bàn thờ có 4 chân (với nhà có gian thờ riêng), loại bàn thờ gắn trên tường (với gia đình ở tập thể, chung cư) hay đặt trên nóc tủ chè, tủ li…Hoặc ngày nay, nhiều gia đình, dòng họ hay cả Đền, Chùa, Miếu đã xây một cái bàn thờ bằng bê tông, lát gạch men, dưới gầm bàn thờ là ngăn hộc đựng lễ vật và tài sản quý báu. 
Chú ý sự giản dị và mỹ thuật, tránh làm bàn thờ theo lối trang trí lòe loẹt cầu kỳ. Đừng tưởng sắm một bàn thờ rất sang trọng lộng lẫy là có lòng với các đấng Thiêng liêng mà hoàn toàn ngược lại khi gia chủ luôn cứ để hương tàn khói lạnh, bụi chăng, nhện bám! Bàn thờ cốt trang trọng, vững chắc, phù hợp với gia cảnh và hằng ngày phải có nhiệm vụ chăm sóc bàn thờ cũng như chăm sóc phòng khách, đừng tỏ thái độ khinh thường nơi thờ tự và mỗi khi chiêm bái.
Về Công năng, ngoài bàn thờ Gia tiên, có nhà thêm bàn thờ Thần linh, ban thờ Phật, ban thờ Thần tài, thờ Thổ công, thờ Bà Cô - Ông Mãnh, ban thờ Mẫu, ông Hoàng, bà Chúa, các Cô-Cậu, thờ Tiền chủ…. Nhưng nhiều nhà chỉ làm ban thờ chung-Ban thờ Tổ hợp. Việc bố trí ban thờ Tổ hợp hay các ban thờ riêng rẽ cần hợp cách để phát huy tác dụng, tránh thất thố!
Ban thờ Phật: Thường được lắp đặt nơi cao nhất trong phòng thờ của gia đình, trên bàn thờ có ảnh của vị Phật mà mình muốn thờ (Thông thường các tín đồ chỉ thờ ảnh Phật, các Thày hay Sư mới thờ tượng). Chính giữa có bát nhang hay lư trầm. Bên cạnh có bình hoa và đĩa trái cây, 3 chung nước, cặp đèn cầy hay đèn điện. Tuyệt đối không được đặt đồ lễ mặn và giấy tiền vàng bạc trên bàn thờ Phật. Khi cúng Phật, phải dùng đồ chay. 
Bàn thờ Thần linh: Thường được đặt chung với bàn thờ Gia tiên. Bát nhang thờ Thần linh đặt chính giữa và cao hơn hai bát nhang còn lại. Đằng sau có bài vị (簰位thường chỉ có một chữ “Thần”  hay 4 chữ “Thần Tiên Linh ứng” 神仙灵應.
 Trước bát nhang để 3 chén nước trên cùng một cái khay bằng sứ dài. Về cuối năm hay đầu năm, người ta thường cúng một bộ đồ quan Thần linh bao gồm mũ, áo, hia, ngựa theo ngũ hành (Vàng, trắng, đen, xanh, đỏ) và 1000 vàng hoa theo màu bộ quan Thần linh. Thờ Thần có thể cúng mặn như xôi, gà...
Bàn thờ Gia tiên: Thờ những người đã mất thuộc dòng họ mình.
Dù là bàn thờ nhằm công năng gì cũng chú ý khi chọn mua, đặt đóng, nơi để và cách bài trí cũng như chăm sóc bàn thờ.
Trước hết, chú ý nơi đặt:
- Không được đặt bàn thờ Gia tiên cao hơn bàn thờ Thần Tiên.
- Không được thờ Quan Âm và Quan Đế (Quan Vân Trường) cùng một nơi hay đối diện nhau.
- Không được kê giường ngủ đối diện với bàn thờ.
- Không được kê bàn thờ sát nhà tắm, đặt ở lối đi.
- Không để Bàn thờ đặt trên nóc tủ, bởi mở tủ luôn sẽ động!
Chọn Bàn thờ:
- Không dùng gỗ xấu, đã dùng rồi, gỗ tạp dễ mối mọt.
- Tốt nhất dùng gỗ mít đã khô kiệt để đóng.
- Nên đóng bàn thờ mà tầng dưới có thể kéo ra được khi đặt đồ mặn.
- Kích thước bàn thờ nên đặt ở cung có năng lượng tốt theo Thước Lỗ Ban, tránh rơi vào cung Tử biệt, Ly hương, Bệnh lâm…Hiện có mấy loại thước Lỗ Ban nhưng khi làm bàn thờ phải dùng thước đo đồ đặc (đo phủ bì, chứ không phải loại thước đo thông thuỷ). Kích thước tốt có thể là: rộng 60,5 cm (益利 Ích lợi, Hoành tài); Dài 87 cm (Tài đức, 喜事 Hỉ sự); cao 1,53 (Quan, 六合 Lục hợp). Hiện nay rất nhiều cơ sở đóng đồ thờ cúng, họ cũng theo sách mà làm, người thợ có lương tâm sẽ chọn gỗ tốt, kích thước hay!
Bài trí bàn thờ:
Tuỳ gia cảnh mà thông thường trên bàn thờ có thể là Tam sự (bát hương, hai cây đèn, tam sơn đặt rượu, nước và trầu cau) hay Ngũ sự (bát hương, hai cây đèn, lọ hoa, mâm ngũ quả, tam sơn đặt rượu, nước và trầu cau). Cách xếp đặt các tự khí 祀器 trên cũng có khác biệt với mỗi gia đình, vùng miền.
Bàn thờ Tổ hợp bài trí đơn giản, không có Bài vị, nhưng không thiếu được là 3 bát hương:
Bát nhang thờ Thổ Công-Thần linh: đặt cao hơn, ở chính giữa.
Bát nhang thờ Gia tiên: Đây chính là thờ 九玄七祖 trong sách. Bát nhang Cửu Huyền Thất Tổ nội ngoại tôn thân này được đặt ở phía tay trái người đứng lễ, hay tay phải từ trong bàn thờ nhìn ra.
Bát nhang Bà Cô - Ông Mãnh Tổ 婆祖翁猛姑 dùng để thờ những người chết trẻ, chưa vợ, chưa chồng nhiều đời nhiều kiếp của gia tộc, được đặt ở phía bên tay phải người cúng hay bên tay trái từ trong bàn thờ nhìn ra.
Ba bát hương trên gia đình tôi đặt sát tường, ở phía trong ban thờ có lợi thế là vững, ít bị xô lệch và dễ bổ xung các đồ lễ, nhất là dịp Tết nhưng trở ngại là phía trước đó lại bầy mâm Ngũ quả nên khi cắm hương gặp khó khăn.
Bàn thờ bà cô ông mãnh
Bà cô ông mãnh là từ mà dân gian dùng cho những người chết trẻ, chưa lập gia đình. Người ta cho rằng vì chết trẻ nên bà cô ông mãnh rất linh thiêng. Nếu cảm thấy "hợp" người thân nào thì sẽ phù hộ độ trì rất nhiều. Nếu thờ cúng bà cô ông mãnh không đến nơi đến chốn sẽ bị quở phạt. Bà cô ông mãnh lẽ ra cũng nên thờ cúng với tổ tiên, nhưng dân gian quan niệm rằng bà cô ông mãnh tuổi thấp nên chưa thể hưởng hương hoa cùng các cụ đời trước được. Giống như trên cõi dương gian, trẻ con chỉ ngồi riêng một mâm khi ăn giỗ nên bà cô ông mãnh cũng được thờ riêng 1 bàn thờ.
Bàn thờ bà cô ông mãnh được đặt dưới hương án bàn thờ Tổ Tiên hoặc thấp hơn bàn thờ tổ tiên. Bài trí bàn thờ bà cô ông mãnh rất đơn giản, sơ sài. Chỉ đặt bài vị, bát nhang, chén nước, lọ hoa mầu trắng, đôi đèn...Cũng có thể đặt cùng trên bàn thờ Tổ Tiên nhưng bát nhang phải thấp hơn thờ Gia tiên 1 bậc.  Người ta cúng vào ngày Sóc, Vọng, ngày kỵ, giỗ Tết giống thờ Tổ Tiên.
Nếu người cúng ngang hàng với bà cô ông mãnh thì chỉ lâm râm khấn mà không cần lễ. Nếu thuộc hàng dưới thì phải khấn và lễ. Khi gia đình gặp chuyện về sức khỏe, vật chất... người ta cúng bà cô ông mãnh để được phù hộ độ trì cho mọi sự được hanh thông và tốt hơn.
Bàn thờ người mới chết
Những người mới mất chưa được thờ chung với Tổ Tiên mà được lập một bàn thờ riêng tại gian thờ hoặc gian nhà ngang. Được bài trí tương đối sơ sài: một bát nhang, bài vị (hoặc ảnh), lọ hoa, chén nước, ngọn đèn... Trong vòng 49 (終七,tức lễ Chung thất) ngày, người ta đều thắp hương cơm canh trước khi gia đình ăn cơm, mời người mới mất thụ hưởng gọi là cúng cơm (朝夕面Triêu tịch diện). Lúc này, linh hồn người chết còn quyến luyến người thân, "hồn vía còn nặng" chưa thể siêu thoát được, vẫn còn luẩn quẩn quanh nhà. Những người sống không muốn tin vào sự thật là họ vừa mới mất đi một người thân, làm vậy để dịu nỗi buồn. Nhưng có nơi thủ tục này thực hiện vào sau 100 ngày (卒哭,tức lễ Tốt khốc nghĩa là thôi khóc).
Sau khi hết tang, bát nhang người mới mất sẽ được rước lên bàn thờ Tổ Tiên. Sau lễ trừ phục (còn gọi là đàm tế 除服) bàn thờ người mới mất sẽ được loại bỏ cùng những đồ thờ riêng, đưa ảnh chân dung và bát nhang lên bàn thờ tổ tiên, đặt hàng dưới. Trường hợp không có bàn thờ Tổ Tiên thì sẽ vẫn giữ lại như cũ, chỉ cần yết cáo Tổ Tiên lên bàn thờ Tổ.
Đối với bàn thờ Thần Tài và Ông Địa nên đặt ngay tại lối vào chính và ở dưới đất vì việc thắp nhang, nhất là nhang thơm, có tác dụng xua đuổi không khí ẩm ướt, côn trùng vào những buổi sáng sớm hoặc chiều tối (là khoảng thời gian chuyển tiếp Âm Dương, ánh sáng nhá nhem, vi khuẩn nhiều và độ ẩm tăng) đồng thời theo dân gian thì như vậy sẽ “nghênh tiếp Thần Tài” được trực tiếp hơn. Bàn thờ này mới phổ biến vài năm nay và chủ yếu ở các gia đình có kinh doanh.

5. Đồ lễ:

Những vật phẩm bầy ra khi thờ cúng còn được gọi là “lễ vật” (禮物) tượng trưng Tam bảo của con người là: Tinh (thể xác), Khí (chân thần), Thần (chân linh).
Vật không thể thiếu là nén hương, cách thắp hương thành tâm nên mới gọi là “Tâm hương” (心香) và luôn thắp với số lẻ để cắm vào bát hương.
Tiếp, khi cúng lễ bao giờ cũng có nến, nước, rượu, hoa quả, trầu cau, gạo, muối, cơm canh, vật phẩm mà khi sống người hưởng giỗ ưa thích cùng với những đồ tế lễ khác như tiền Địa phủ và mã (quần áo đồ dùng làm bằng giấy). Sau khi tàn tuần hương, đồ vàng mã và tiền âm phủ được đem đốt, được gọi là “hoá vàng”, còn chén rượu cúng thì đem rót xuống đống tàn vàng. Tục truyền rằng làm như vậy người chết mới nhận được đồ cúng tế, vì hương khói bay lên trời, nước (rượu) hòa với lửa mà thấm xuống đất. Hành động đó được cho là sự hòa quyện Nước-Lửa (âm dương) và Trời-Đất-Nước (Tam Tài) mang tính triết lý sâu sắc.
Những gia đình có điều kiện sẽ sắm đồ mặn tam sinh (三牲) gồm 3 con vật làm thịt cúng tế là: bò, lợn, dê hoặc trâu, lợn, dê hay có người hiểu là đủ gia súc, gia cầm và thuỷ cầm. To nhỏ tuỳ điều kiện nhưng bữa cúng cũng phải có chén cơm xới đầy có ngọn, úp lồng một cái chén khác lên trên gọi là chén cơm lồng cùng trứng gà luộc đã bóc vỏ dẹt ra trên đĩa với một ít  muối. Vì thế mới có tên cúng giỗ là “cúng cơm”. Chú ý rằng thành ngữ “Vô vật bất linh” 無物不靈 thường dùng để chế giễu những ông quan tham nhũng, nếu không có lễ vật trọng hậu mang đến cho quan thì công việc không xong. Nhưng cũng là nói về việc cầu cúng, không có lễ vật thì cầu không thiêng. Đồ mặn sau khi hạ lễ sẽ được mọi người dự cúng “thụ lộc”.
Trong việc Thờ, việc Cúng, việc Giỗ thì làm to hay nhỏ, đồ lễ nhiều hay ít không quan trọng mà cốt là “Lễ bạc tâm thành” 禮薄心誠 lễ vật đơn sơ nhưng lòng thành thật tín ngưỡng và thực hiện đúng nghi thức mới có hiệu quả.
Nghi thức (儀式) là cách thức làm lễ cho đúng phép trong thờ cúng tuy không quá cầu kỳ nhưng đã được quy định rõ trong Thọ Mai Gia lễ. Trong đó đáng chú ý là ngày Tiên thường, Tiểu tường, Đại tường, Cát nhật, các vấn đề về Gửi giỗ, Phẩm vật, Văn khấn, Hóa vàng.

6. Tiến hành :

Trên bàn thờ đHệ thống đào tạo và kết nối khát vọng làm giàuèn được thắp trước, sau đó là thắp nhang rồi mới sắp đặt đồ lễ. Khi đồ lễ đã đủ và đặt lên ban thờ, gia trưởng quần áo chỉnh tề, xem xét và rà soát lại các lễ vật có đầy đủ rồi mới bước vào chiếc chiếu trải trước bàn thờ, lễ bốn lạy, quỳ xuống, hai tay chắp lại vòng ngang trán. Đó là “Cúc cung bái” (鞠躬拜) là cúi mình lạy xuống.
Một trong hai người chấp sự, thường là em hay con cháu gia trưởng, đứng hai bên bàn thờ, lấy ba nén hương châm lửa thắp, đưa cho gia trưởng vái một vái dài rồi trao lại đem cắm lên bát hương. Đó là “Tiến tước”.
 Người chấp sự thứ hai mở nút bình rượu, rót rượu lên ba chén để trên đHệ thống đào tạo và kết nối khát vọng làm giàuài thực hiện nghi thức “Tiến tửu” (薦酒), xong đâu vào đó rồi gia trưởng làm lễ khấn.
Hiện nay, do trang phục, do không gian thờ cúng…để đơn giản gia trưởng tự thắp hương (luôn là số lẻ) cắm vào bát hương, lui ra đứng tước ban thờ vái 3 vái rồi đọc văn khấn. Khi khấn xong lễ 4 lễ thêm 3 vái gọi là 4 lễ rưỡi. Tiếp theo các thành viên khác trong gia đình đến trước ban thờ 4 lễ rưỡi. Nghi thức 4 lễ rưỡi thực hiện bằng 3 vái dài, 3 vái ngắn.
Khách đến dự, con cháu cử người nhận đồ lễ đặt lên ban thờ, đứng đáp lễ; khách thực hiện 4 lễ rưỡi  rồi quay sang vái người đáp lễ. 
Người Việt ta có câu: “Thờ thì dễ, giữ lễ thì khó”, do vậy cần phải hiểu về tài ý nghĩa và tác dụng của lễ bái.

7. Lễ Bái:

7.1. Lễ:  
Về ngữ nghĩa, “Lễ”  chính là khuôn mẫu, là cách bày tỏ kính ý bằng cử chỉ hay bằng cúng tế, nó còn là những quy tắc nhất định về sắp đặt, trình tự trong Quan ( chào mừng đứa bé mới ra đời), Hôn ( lễ thức hôn nhân của gia đình), Tang ( nghi thức tiễn đưa một người về chầu tiên tổ) và Tế ( hình thức tế lễ để tưởng nhớ ông bà tổ tiên) nhằm thể hiện sự tôn kính. 
Về nội dung, nó bao gồm:
Hình thức: là sự trang trí, trưng bày cho một biểu tượng mà qua đó ta có thể phân biệt được “Lễ” đó thuộc về gia tộc, sắc tộc, tôn giáo, Quốc gia nào.
Lễ Phẩm: là những phẩm vật mà con người muốn dâng lên các vị mà họ tôn thờ, hay mong cầu một sự trợ giúp và thông qua đó người ta có thể biết được tính chất của buổi lễ (tức mục đích của nghi lễ) mà kẻ hành lễ mong cầu.
Nghi thức: là phương cách hành Lễ tùy theo hình thức bài trí và phẩm vật dâng lễ mà qua đó người ta có thể phân biệt được tính chất của buổi lễ cũng như nhận biết được sắc thái của những thành phần mà người tổ chức thuộc về sắc dân nào, dân tộc nào, quốc gia nào, và mục đích của buổi lễ mong cầu những gì. Và phần nghi thức này luôn luôn bao gồm những nghi thức “Bái”.
7.2. Bái:
 Trong quá trình tiến hành nghi thức Lễ có hành vi “bái”. “Bái” là quỳ lạy bằng cách hạ mình xuống đất trước những bậc Hiền Đức mà mình Tôn Kính; là hành động của con người thực hành tham gia trong buổi Lễ.
Mỗi buổi Lễ có những phương cách “Bái” riêng, tùy theo truyền thống hay có cải cách, sửa đổi theo thời gian, theo sở thích của người chủ xướng đề đặt thêm. Nhưng có những phương thức như sau:
 Ðứng Bái: (Vái, Lạy) đứng làm lễ và tùy theo phong tục tập quán khác nhau mà động tác Bái có khác nhau.
Qùy Bái: (Lạy) qùy làm lễ nhưng cũng tùy theo phong tục tập quán mà động tác thực hành cũng khác nhau.
Ngồi Bái: (Tọa Tụng,Vái, Lạy) với nhiều cách thực hành khác nhau theo phong tục tập quán riêng.
Hành Bái: (Bái, Lạy trong những nghi thức rước lễ) cũng có những cách thực hành khác nhau, tùy theo hình thức lễ lạc, tùy theo mỗi tôn giáo.
Ngoài ra còn có những thể cách kết hợp các phương thức trên như đứng lên qùy xuống mới thực hành xong một động tác của Bái v.v…
7.3. Lễ Bái:
Lễ bái (禮拜) là cúng lạy, chỉ chung về sự cúng tế. Nguyên tiếng Phạn là Vandana, nghĩa là lễ nghi cung cách với hình thức cúi đầu quỳ lạy trước những bậc mà mình đã đặt trọn niềm tin, ngưỡng vọng, hướng về nhằm biểu lộ đức tính khiêm tốn và để tỏ lòng tri ân, báo ân. Người Việt Nam, do phần đông chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng Giáo và Phật Giáo nên đều chịu ảnh hưởng không ít cách Lễ Bái của hai tôn giáo này.
Thời xưa có quy định rõ ràng, mỗi người dân, khi Lễ Bái Vua, Quan, Hiền Thần, Đình Miếu thì phải áp dụng theo cung cách của Khổng Giáo (trong “Văn Công Thọ Mai Gia Lễ") và khi Lễ Bái Phật Trời, Hiền  Thánh, Tổ Tiên, Ông Bà... thì phải áp dụng theo cung cách của Phật Giáo (trong“Nhân Thừa Phật Học”). Về sau, do chính quyền ít lưu tâm, gia đình không được ai lo dạy nên “thảo dân” chỉ Lễ Bái kiểu “bắt chước”, theo thói quen, hành động thiếu thống nhất, không đúng nghĩa, đúng chỗ nữa. Thiết nghĩ nên nhắc lại:
 Theo quan niệm Khổng giáo:
Trước hết con người đứng thẳng là tiêu biểu cho cái Uy của kẻ sĩ. Hai tay Cung Thủ (nắm lại nhau) là tiêu biểu cho cái Dũng của Thánh Nhân. Trước khi lạy, hai tay Cung Thủ đưa lên trán, rồi sang bên phải, cuối cùng đưa sang phía trái là tiêu biểu cho Tam Tài (Trời, Đất, Người).
Khi lạy, hai tay Cung Thủ chống lên đầu gối chân mặt và quỳ chân trái xuống trước là tiêu biểu cho sự Tôn Kính mà không mất tư thế cái Uy Dũng của kẻ sĩ Cúi đầu xuống đất là tiêu biểu cho sự Cung Kính những bậc mà mình lễ.
 Theo quan niệm Phật giáo:
Ý nghĩa và giá trị Lễ Bái được rất nhiều kinh luận đề cập. Theo đó, sự lễ bái cũng là một trong những phương pháp tu tập để diệt phiền não mà bổn phận người con Phật phải hành trì thường xuyên trong hằng ngày để được giải thoát tất cả nghiệp chướng khổ đau sanh tử và sớm chứng quả Bồ Đề Niết Bàn Tịch Tịnh.
Sách Đại Đường Tây Vực ký 大唐西域記 (Bút ký Đại Đường sang Tây Vực) của Đường tăng Tam Tạng 玄奘三藏法師 hoàn tất tại chùa Hoàng Phúc 竑福寺 kể lại những điều "mắt thấy tai nghe" trong suốt 16 năm ở Ấn Độ, gồm 12 quyển, trong đó tại mục 14 十四 về Kính lễ 敬儀 ở Quyển 2 卷第二 ghi rằng: “Ấn Độ có chín cách Lễ Bái được gọi là Tây Trúc Cửu Nghi” 致敬之式其仪九等. Chín cách lễ bái nói trên được ghi nhận như sau;
1. Phát ngôn uỷ vấn Lễ 发言慰问:  mở lời vấn an.
2. Phủ thủ thị kính Lễ 俯首示敬: cúi đầu tôn kính.
3. Cử thủ cao ấp Lễ 举手高揖: dơ tay cao vái chào.
4. Hiệp chưởng bình cung Lễ 合掌平拱: chấp tay ngang bằng vái chào.
5. Khuất tất Lễ 屈膝: quỳ gối.
6. Trường quy Lễ 长跪:  quỳ nằm dài ra.
7. Thủ tất cứ địa Lễ 手膝踞地: hai tay và hai đầu gối quỳ sát đất.
8. Ngũ luân cu khuất Lễ 五轮俱屈: năm vòng đều cúi xuống.
9. Ngũ thể đầu địa Lễ 五体投地: năm điểm gieo xuống đất.
Phàm chín việc này đều phải cung kính 凡斯九等. Ngũ thể đầu địa ( ) dịch là: “Gieo năm vóc sát đất”, tức là Phủ phục toàn thân thể sát đất để thể hiện trọn vẹn lòng cung kính. Đây là cách lễ lạy với năm phần thân thể gồm hai đầu gối, hai khuỷu tay, và đầu chạm sát đất là thế lạy phổ biến với  Phật tử Việt Nam. Đây là cái đức cao cả, tận lực cung kính tán thán. Về phía xa hơn nữa thì phải cúi đầu chấp tay. Về phía gần thì chân phải quỳ gối. Phàm nói năng phải nương vào lệnh trên. Tôn trọng bậc hiền thánh, thọ nhận sự lễ bái tất có sự an ủi. Hoặc cọ sát nơi đầu. Hoặc vỗ về nơi lưng. Lời nói diệu hiền mẫn cảm hướng dẫn minh thị chỗ thân thiết nồng hậu.
Ngoài ra người Ấn Độ còn có nhiều cách Lễ Bái khác nhau. Theo phong tục mỗi nơi, Tín Đồ Lễ Bái trước tượng Phật hoặc trước Bảo Tháp có hơi khác về cung cách. Sự khác biệt về cung cách Lễ Bái được nêu cử như sau: 
1. Tồn Cứ Lễ: nghĩa là Lễ Bái bằng cách đứng một chân quỳ lạy.
2. Khởi Cư Lễ: nghĩa là dùng nghi thức bước một bước Lễ một lạy.
3. Hữu Nhiễu Tam Thất Lễ: nghĩa là Lễ một lạy rồi đi nhiễu ba vòng về phía bên hữu của Phật hoặc của Bảo Tháp.
4. Tạ Lễ: nghĩa là Lễ Bái bằng cách ngồi xuống đất cúi đầu lạy, tức là lạy bằng cách ngồi v.v...
Trong Lễ Bái, Phật Giáo Việt Nam hầu hết áp dụng phương pháp “Ngũ thể đầu địa Lễ”. Đây là một phương pháp tiêu biểu ý chí Tôn Kính cao đẹp nhất trong các cung cách Lễ Bái, tiêu biểu cho ý nghĩa “Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ”, nghĩa là đầu và mặt người lễ để lên chân của Phật gọi là Quy mạng Lễ.
Trước hết, tín đồ phải đứng ngay thẳng trước tượng Phật cho nghiêm trang và khép hai chân sát vào nhau để lấy lại sự an tâm thanh tịnh, đồng thời kiềm thúc Tâm ý không cho chao động vọng tưởng.
Ngay lúc đó, đôi mắt họ nhìn lên tượng Phật và Tâm họ quán tưởng các tướng tốt, quán niệm những đức hạnh cao quý của đức Phật để tỏ bày nguyện vọng chân chánh của mình hầu mong Ngài chứng minh.
Khi Lễ, hai tay người hành lễ thay Cung thủ bằng Hiệp chưởng (chắp lại nhau cho khít) là tiêu biểu Thức Tâm hiệp nhất (Nhất Tâm) và để hai tay nơi ngực là tiêu biểu ý nghĩa Ấn Tâm.
Khi lạy Phật, có người để hai tay nơi ngực lạy xuống, tiêu biểu ý nghĩa Ấn Tâm nhưng có người đưa hai tay lên trán rồi mới lạy xuống, tiêu biểu ý nghĩa tâm nguyện của mình dung thông đến chư Phật qua nhục đỉnh kế (qua Mỏ ác, hay qua Đỉnh đầu). Khi lạy theo phương pháp “Ngũ thể đầu địa Lễ” thì đầu, hai tay, hai đầu gối của người Lễ Bái phải đặt sát đất và họ lạy xuống với tư thế ngồi để khỏi thất lễ nơi người đứng sau.
Tiếp theo, đưa tay phải lên rồi quỳ hai đầu gối và ngửa hai bàn tay ra giống như đóa sen nở. Khi đó, người hành lễ mong muốn được cảm thấy như đức Phật hiện đang đứng trên đóa sen kết thành bởi hai bàn tay của họ và họ đặt trán mình vào lòng hai bàn tay như đặt đầu mình lên chân của Phật, đồng thời nằm mọp xuống đất để biểu hiện sự tôn kính với tâm thành quy ngưỡng, nương tựa.
7.4. Về cách Vái, Lạy của Dân gian:
Sau khi khấn, người ta thường vái vì vái được coi là lời chào kính cẩn. Người ta thường nói “khấn vái” là vậy. Trong dân gian, về mặt hình thức có ba cách lạy phổ thông:
1. Ngã Mạn Lễ: là người lạy Phật hoặc lạy Ông, lạy Bà, lạy Tổ Tiên chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc phải hành lễ (sợ bạn bè chê trách mình là kẻ bất hiếu, bất nghĩa, bất tín, bất trung), nhưng thâm tâm của họ không muốn lạy (sợ mất thể diện, sợ bẩn quần áo) do dó họ lạy với cử chỉ ngạo nghễ, thái độ kiêu căng, không có chút nào lễ độ cung kính cả. Theo cách này, người hành lễ: Đầu lạy xuống không sát đất và đứng lên cúi xuống một cách cẩu thả cho qua việc.
2. Cầu Danh Lễ: nghĩa là người lạy vì mong cầu danh vọng, quyền tước qua sự chú ý và ngợi khen của cấp trên cũng như lấy lòng quần chúng, người đó lễ lạy vì mọi người chứ thật ra không phải lễ lạy cho chính họ. Khi đó  họ siêng năng lễ lạy để cho mọi người cho rằng mình có đạo đức, thượng cấp nâng đỡ và quần chúng ủng hộ. Thật ra thâm tâm của họ không có chút gì tín thành và ngược lại, khi không có ai, họ lại biếng nhác, cẩu thả trong việc lễ lạy.
Hai cách lễ lạy trên là hành động dối trá không thể có nơi người Đạo Đức chân chính. Sở dĩ có trong kinh điển là chỉ dạy cho Phật tử phải ngăn ngừa và người con Hiếu Hạnh phải tránh xa.
3. Thân Tâm Cung Kính Lễ: là người lễ lạy phải thể hiện thân và tâm đều cung kính và sự Lễ Bái mới có giá trị. Khi đó, người hành lễ phải có đức tin, có sự cảm ứng rất dễ dàng với chư Phật, với các Thánh Hiền, với Ông Bà, Tổ Tiên. Người lễ lạy muốn cho Thân và Tâm đều cung kính thì nên theo cách lạy “Ngũ thể đầu địa Lễ” của Phật Giáo và phải lạy thường xuyên để cho cung cách được thuần thục. Người lễ lạy đã thuần thục thì mới có khả năng nhiếp phục Tâm loạn động của mình. Thân Tâm Cung Kính Lễ là cách lạy cơ bản của Phật Giáo về mặt hình thức mà người xuất gia cũng như kẻ tại gia phải hành trì cho nghiêm túc.
Trong thực tế cần chú ý:
 Vái:
Vái thường được áp dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái  thay thế cho lạy ở trong trường hợp này. Vái là chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Tùy theo từng trường hợp, người ta vái 2,3,4, hay 5 vái.
Lạy : 
Lạy là hành động bày tỏ lòng tôn kính chân thành với tất cả tâm hồn và thể xác đối với người trên hay người quá cố vào bậc trên của mình. Thế lạy truyền thống của đàn ông và thế lạy của đàn bà khác nhau nhưng đều rất có ý nghĩa, vừa thành khẩn vừa trang nghiêm trang. Nhưng muốn áp dụng, nhất là thế lạy của đàn ông phải tập lâu mới nhuần nhuyễn được.
Thế lạy của đàn ông:   
Đàn ông khi hành lễ đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp hai tay trước ngực và giơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quì gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất, và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ phục. Sau đó cất người lên bằng cách đưa hai bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu gối chân phải đang quì để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quì cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy. Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.
Có thể quì bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy theo thuận chân nào thì quì chân ấy trước. Có điều cần nhớ là khi quì chân nào xuống trước thì khi chuẩn bị cho thế đứng dậy phải đưa chân đó về phía trước nửa bước và tì hai bàn tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên. Thế lạy theo kiểu này rất khoa học và vững vàng. Sở dĩ phải quì chân trái xuống trước vì thường chân phải vững hơn nên dùng để giữ thế thăng bằng cho khỏi ngã. Khi chuẩn bị đứng lên cũng vậy. Sở dĩ chân trái co lên đưa về phía trước được vững vàng là nhờ chân phải có thế vững hơn để làm chuẩn.
Thế lạy của đàn ông có vẻ hung dũng, tượng trưng cho dương nhưng khi mặc âu phục thì rất khó lạy. Hiện nay chỉ có ai mặc khăn đóng áo dài còn áp dụng thế lạy này trong dịp Tế Lễ lớn. Còn phần đông chỉ đứng vái.
Thế Lạy của đàn bà  :
Khi hành lễ các bà là cách ngồi trệt xuống đất để hai cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải ngay ngắn về phía trước và kéo vạt áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt. Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy cần thiết. Lạy xong thì đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất thế lạy.
Cũng có một số bà lại áp dụng thế lạy theo cách quì hai đầu gối xuống chiếu, để mông lên hai gót chân, hai tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ hai tay ở thế chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe hai bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay. Thế lạy này có thể làm đau ngón chân và đầu gối và không mấy đẹp mắt.
Số lần lạy và vái đều mang một ý nghĩa rất đặc biệt, nhưng xem ra chưa mấy ai tường, nhất là giới trẻ. Đa số sách viết về Lễ Bái đều chép rằng:
Ý nghĩa của 2 Lạy và 2 Vái
Hai lạy dùng để áp dụng cho người sống như trong trường hợp cô dâu chú rể lạy cha mẹ. Khi đi phúng điếu, nếu là vai dưới của người quá cố như em, con cháu, và những người vào hàng con em,...
Nếu vái sau khi đã lạy, người ta thường vái ba vái. Ý nghĩa của ba vái này là lời chào kính cẩn. Nhưng trong trường hợp người quá cố còn để trong quan tài tại nhà quàn, các người đến phúng điếu, nếu là vai trên của người quá cố thì chỉ đứng để vái hai vái mà thôi. Khi quan tài đã được hạ huyệt, tức là sau khi chôn rồi, người ta vái người quá cố 4 vái.
Theo nguyên lý âm dương, khi chưa chôn, người quá cố được coi như còn sống nên ta lạy 2 lạy (tượng trưng cho âm dương nhị khí hòa hợp trên dương thế, tức là sự sống). Sau khi người quá cố được chôn rồi, phải  lạy 4 lạy.
Ý nghĩa của  3 Lạy và 3 Vái
Khi đi lễ Phật, ta lạy 3 lạy, tượng trưng cho Phật (là giác, tức là giác ngộ, sang suốt, và thông hiểu mọi lẽ), Pháp (là điều chính đáng, trái với tà ngụy), và Tăng (là trong sạch, thanh tịnh, không nhơ bẩn). Tuy nhiên, còn tùy mỗi chùa, mỗi nơi, và thói quen, người ta lễ Phật có khi 4 hay 5 lạy.
Trong trường hợp cúng Phật, khi ta mặc đồ âu phục, nếu cảm thấy khó khăn trong khi lạy, ta đứng nghiêm và vái ba vái trước bàn thờ Phật.
Ý nghĩa của 4 Lạy và 4 Vái
Bốn lạy để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ và thánh thần. Bốn lạy tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, bốn phương (đông: thuộc dương, tây: thuộc âm, nam: thuộc dương, và bắc: thuộc âm), và tứ tượng (Thái Dương,Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm). Như vậy, bốn lạy bao gồm cả cõi âm lẫn cõi dương mà hồn ở trên trời và phách hay vía ở dưới đất nương vào đó để làm chỗ trú ngụ.
Bốn vái dùng để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ, và thánh thần, khi không thể áp dụng thế lạy.
Ý nghĩa của 5 Lạy và 5 Vái
Ngày xưa người ta lạy vua 5 lạy. Năm lạy tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hỏa, và thổ), vua tượng trưng cho trung cung tức là hành thổ màu vàng đứng ở giữa. Còn có ý kiến cho rằng 5 lạy tượng trưng cho bốn phương (đông, tây, nam, bắc) và trung ương, nơi nhà vua ngự. Ngày nay, trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương, những người trong ban tế lễ thường lạy 5 lạy vì Hùng Vương là Quốc Tổ, khai sáng giống nòi Việt.
Năm vái dùng để cúng Tổ khi không thể áp dụng thế lạy vì quá đông người và không có đủ thì giờ để mỗi người lạy 5 lạy.
8. Văn khấn :
Khi Cúng, Giỗ có văn khấn là thực hiện đạo lý: Ăn có mời, làm có khiến. Lời khấn cốt ở tấm lòng, mộc mạc cốt đủ thông tin: ngày tháng, địa điểm, lý do, thỉnh mời (tên tục, tên hiệu, tên hèm người hưởng giỗ, mộ phần) về hưởng giỗ. Trường hợp văn tế soạn bằng âm Hán cần nói rõ: “Cẩn sớ thượng tấu” (謹疏上奏): Kính cẩn dâng sớ tâu lên Thánh, Thần, Tổ Tiên bề trên rõ việc. Việc khấn xin này còn thể hiện đức tin “Hữu cầu tất ứng” 有求必應 , có cầu nguyện thì ắt có đáp lại của cổ nhân. Trước khi dừng khấn cần đọc câu: “Cẩn cáo” (謹告) tức báo cáo với đấng cúng thỉnh một cách kính cẩn.
Nếu không tự soạn được có thể sử dụng các bài văn khấn trong các cuốn sách cúng thông dụng. Bản thân tôi từng soạn các bài khấn khi Giỗ Tổ và các ngày Tiểu tường, Đại thường, Đốt mã, sang cát và Kỵ nhật của Tổ Tiên, thân phụ... được in thành sách.
Khấn xong, gia trưởng cúi xuống, lễ nốt một nữa lạy nữa rồi đứng lên vái ba vái rồi lùi ra. Tiếp sau đó là những người trong họ tộc, theo thứ tự quan trọng và hạng bậc vào làm lễ với bốn lạy ba vái.
9. Lễ tạ:
Sau khi hương đã cháy hết, chủ cúng thắp thêm 3 nén hương nữa khấn cáo việc cúng đã xong xin phép được hóa vàng. Trước đó cần đọc “Cung phần sớ văn” (恭焚疏文) tức xin đốt sớ văn cúng đi.
Sau đó đem đốt vàng mã (do gia chủ sắm và khách mang tới) rồi đổ rượu hoặc nước lên đống tro tàn để khói bay lên trời, nước hòa với lửa thấm xuống đất, dùng một gậy gỗ gẩy đống tro. Việc đó, theo quan niệm dân gian là để xuống Âm phủ vàng mã cúng dâng sẽ biến thành đồ thật và người hưởng giỗ có đòn gánh vận chuyển đồ vật. Hành động đó được cho là sự hòa quyện Nước-Lửa (âm dương) và Trời-Đất-Nước (tam tài) mang tính triết lý sâu sắc. Khi đã hóa vàng hương đèn trên bàn thờ không cần cháy nữa.
Gạo, muối trên ban thờ mang rải đều ra quanh nhà.
10. Ăn giỗ:
Sau khi cúng, gia đình thường dọn thức ăn vừa cúng xong để con cháu và khách đến cùng ăn. Khi cúng và ăn uống xong đồ lễ còn lại được chia phần cho con cháu, coi như hưởng lộc của tiền nhân.
Chính việc ăn uống sau giỗ nên gọi là đi “ăn giỗ”. Sau đó con cháu bàn bạc việc giỗ kỳ sau. Nhưng đa phần khi đó những người dự giỗ, nhất là nam giới, đã say rượu nên cần tránh bàn những việc dễ gây căng thẳng.
 Đôi điều kết lại:
Thờ, Cúng, Lễ, Bái là cần thiết nhưng phải đúng cách, hợp thời, xuất phát từ cái Tâm của mình. Điều quan trong hơn là cần tu thân tích đức. Bởi “ĐỨC”   là “Đạo đức, là sự từ bi, hỉ xả, kết quả của những việc làm giúp người giúp đời” và “Đức trọng quỉ thần kinh” 德重鬼神驚, tức là người có đạo đức lớn thì ma quỉ và chư Thần đều nể sợ và tôn kính. Hơn nữa “Đức tồn hậu lai” 德存後來, cái đạo đức còn tồn tại đến đời sau nên tích đức là tích cho hậu thế. Nhưng con cháu cũng cần có vốn liếng ban đầu nên cần “Tích kim dĩ di tử tôn” 積金以遺子孫 , chứa vàng bạc để dành lại cho con cháu không hề vô nghĩa. Tất nhiên “Tích tài bất như tích phúc” 積財不如積福 bởi vì tiền bạc có thể bị kẻ ác cướp trộm, còn phúc đức không bao giờ bị cướp trộm được nên gom tiền bạc không bằng chứa phúc đức.
Tích đức rồi lo luyện tâm, bởi Chân tâm (眞心) là cái tâm chân thật, trong sạch, sáng suốt, đã cởi bỏ được các vọng tưởng, phục hồi được bản tính của nó, cốt đừng ứng xử kiểu “Phú bất nhân, bần bất nghĩa” 富不仁貧不義. Cổ nhân từng đúc kết kinh nghiệm “Tích cốc phòng cơ” (H: 積穀防饑, A: To store up the cereals in case of famine, P: Entasser des céréales en prévision de la famine) là chứa lúa để dự phòng nạn đói; “Tích y phòng hàn” 積衣防寒 chứa áo phòng khi rét lạnh hay “Tích Đức phòng tai” (H: 積德灾防, A: Jide disaster prevention, P: La prévention des catastrophes Jide), “Tích phúc phòng hoạ” 積福防祸; đừng học kiểu “Tiểu nhân đắc chí” 小人得志 là kẻ có tài đức tầm thường nhưng nhờ mưu mô khéo léo, hay bởi một nguyên do đưa đẩy nào mà được thành công trên đường danh lợi thì họ tỏ ra tự đắc, khoe khoang, khinh người sẽ chẳng được bền lâu dầu cầu cúng chăm đến mấy!
Đó chính là thuận theo Luật Nhân - Quả: “Tích thiện phùng thiện” 積善逢善 Chứa lành thì gặp lành, tức là làm việc lành thì gặp việc lành báo đáp lại; “Tích ác phùng ác” 積惡逢惡: Chứa dữ thì gặp dữ, tức là làm điều dữ thì gặp việc dữ báo đáp lại. Nhưng lại nhớ rằng: “Mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên” nên phải còn phúc đức gia tiên, sự cố gắng bản thân và các yếu tố xã hội khác xung quanh.

Tổ Tiên tích đức nghìn năm thịnh
Con cháu thảo hiền vạn đại vinh

THỜ CÚNG, LỄ BÁI đã đi sâu vào tâm thức mỗi người và thực tế đã chứng minh tính bền vững, ý nghĩa nhân văn cao đẹp của mỹ tục này. Qua đó ta có một cái nhìn, cái lối suy nghĩ đúng đắn về THỜ CÚNG LỄ BÁI mà Tổ Tiên của chúng ta xây dựng, tích cóp, lưu truyền lại hầu giúp cho ta vững tâm trên con đường tu thân, lập nghiệp, tạo lập gia đình, xây dựng xã hội…Thật là:

Thờ, Cúng phải tự tâm hồn,
Lễ, Bái đúng phép cần luôn duy trì.
Chân TâmTín thực nhớ ghi,
Tu thân tích Đức - việc chi cũng thành.


                     Sưu tầm Theo nguồn: http://news.tnn.vn/news

Không có nhận xét nào: